Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 ở Việt Nam
Tính đến nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2, đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản…
Tính đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 tại Việt Nam (Ảnh TL)
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, tính đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2, đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam.
Con số thống kê gần đây cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản đạt 22,072 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 11,445 tỷ USD, nhập khẩu 10,627 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, tính đến nay, vốn đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt trên 2,25 tỷ USD. Lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn FDI của cả nước.
Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản… Đặc biệt, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó, có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, hiện Việt Nam và Nhật Bản là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các hiệp định này đã tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa hai quốc gia. Đặc biệt, tham gia CPTPP giúp Việt Nam và Nhật Bản có thêm nhiều triển vọng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp là thế mạnh của Nhật Bản. Từ đó cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Việt Nam đã có sự gắn bó với Nhật Bản ngay từ những năm 50 thông qua các dự án hợp tác đầu tư. Cùng với việc thực hiện chính sách ngoại giao chính trị, Nhật Bản đã tiếnhành các dự án đầu tư vào Việt Nam, qua đó tạo ra khối lượng việc làm lớn cho lao động trong nước từ các công ty Nhật.
Hiện nay theo khảo sát, đã có trên 70% DN Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là thị trường ưu tiên quan trọng nhất cần duy trì chiến lược mở rộng hoạt động trong thời gian tới, vượt qua các đối thủ lớn nhất trong cạnhtranh thu hút vốn đầu tư là Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Điều này cũng thể hiện rõ qua khía cạnh trong đầu tư của Nhật, bao gồm số lượng vốn đầu tư và cơ cấu FDI theo ngành. Vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đặt vấn đề công nghiệp hóa làm chiến lược hàng đầu.
Có thể nói tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá là đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Việt Hà