Nhất định gia đình mình sẽ về
Trúc Quỳnh (Quỳnh Choleva) định cư tại Copenhagen, Ðan Mạch từ năm 2007. Hiện là chủ nhà hàng Bonjour Vietnam - nhà hàng 3 lần nhận danh hiệu 'Nhà hàng Việt Nam tốt nhất châu Âu'. Từ châu Âu xa xôi, chị đã gửi cho Báo Sức khỏe&Ðời sống những tâm sự của một người con xa quê, trong năm COVID quá nhiều cung bậc cảm xúc này.
"Nhà hàng lại phải đóng cửa đấy! Mười hai giờ trưa nay con nhớ mở tivi xem, sẽ có phát biểu chính thức của Thủ tướng về việc này”.
Trời vừa sáng đã nhận được tin nhắn của mẹ. Tôi lật đật mở báo ra xem. Ngay trang đầu tiên đã thấy một dòng tiêu đề lớn: ‘’Số lượng ca nhiễm tăng kỷ lục. Tất cả các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa’’.
Ồ, vậy là tôi sẽ ‘’được’’ nghỉ Noel và Tết Tây sớm trước cả tháng sao?
Thú thực, chưa bao giờ tôi sợ được nghỉ như bây giờ! Những kỳ nghỉ không báo trước, kéo dài bất tận và không biết khi nào thì kết thúc.
Hồi tháng 3, khi chính phủ yêu cầu đóng cửa lần đầu tiên, tôi rối bời giữa bao cảm giác lo lắng, hoang mang. Lần này, tôi không biết mô tả cảm giác của mình thế nào nữa. Bất lực có, chán nản có, chấp nhận có. Cái sự “bình thường mới” rõ ràng trở nên hoàn toàn bất bình thường, khi hóa đơn vẫn phải trả, chi phí cố định vẫn phải thanh toán, chỉ có doanh thu của nhà hàng liên tiếp sụt giảm. Mọi người thường tự an ủi nhau: “Mình chưa bị nhiễm bệnh là may rồi”. “Các doanh nghiệp đang phá sản hết cả, mình vẫn trụ được nên cố gắng thêm chút nữa xem sao”. Hoặc “dù gì mình cũng vẫn còn may mắn hơn các khách sạn, các công ty du lịch và các đại lý vé máy bay nhiều”.
Tự an ủi nhau vậy thôi, nhưng khi cầm tập hóa đơn đến hạn thanh toán, nụ cười của nhiều người bỗng dưng tắt ngóm.
Tháng 11 vừa qua, ngay khi Mỹ phê duyệt vắc-xin, Đan Mạch đã nhanh chóng đặt mua hàng chục triệu liều. Những người trong nhóm nguy hiểm sẽ được tiêm trước, những người còn lại sẽ được tiêm sau. Hoàn toàn miễn phí. Khi chưa có vắc-xin, mọi người suốt ngày hỏi nhau khi nào có vắc-xin. Lúc có rồi lại băn khoăn: “Có nên tiêm không nhỉ? Có phản ứng phụ không nhỉ? Hay mình cứ chờ người khác tiêm trước vài đợt rồi mình tiêm sau cho chắc?!”.
Ai cũng hiểu, chỉ khi có vắc-xin thì mọi thứ mới trở lại bình thường. Và chỉ có vắc-xin thì cơn ác mộng COVID-19 mới kết thúc.
Khi tôi đang lo lắng về lệnh đóng cửa thì cậu con trai 6 tuổi chạy đến:
- Mẹ ơi, bao giờ mình được về Việt Nam hả mẹ?
Bé là con út của tôi, từ khi sinh ra đến nay mới về Việt Nam được 2 lần. Hồi tháng 3, khi Đan Mạch bùng dịch, tất cả các trường học đều phải đóng cửa. Do có thời gian trống, tôi thử đăng ký cho bé học tiếng Việt trực tuyến với cô giáo ở Việt Nam. Không ngờ bé thích và học rất nhanh. Chỉ sau 1 tháng, bé đã biết đọc. Tôi tiếp tục đăng ký cho bé học piano, học cờ vua, học tiếng Trung Quốc trực tuyến với thầy cô ở Việt Nam. Bé học rất tốt. Sự gắn kết của bé với Việt Nam trở nên ngày càng rõ ràng. Nhìn bé líu lo cười đùa, kể chuyện, pha trò bằng tiếng Việt, tôi thật sự không giấu nổi niềm tự hào.
Tôi thở dài: Mẹ không biết khi nào về được con ạ. Tình hình dịch bệnh căng thẳng quá. Mẹ cũng muốn về ăn Tết mà không về được.
Đang nói với con thì ánh mắt tôi bất ngờ chạm vào một tờ giấy trên bức tường ghi dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Quay ra nhìn con, tôi hỏi: “Con tự viết, tự dán lên đấy à?”. Bé nhoẻn cười, gật gật. Thì ra, khi 6 tuổi, người ta cũng đã có những cảm nhận yêu thương của riêng mình. Tình yêu ấy ngọt ngào, non nớt và trong trẻo quá!
Ừ, mẹ cũng yêu Việt Nam lắm, con trai ạ. Đó là quê hương của mẹ, là bầu trời của mẹ, là tuổi thơ của mẹ. Tôi đứng lặng hồi lâu, đọc đi đọc lại dòng chữ ấy của con. Thật kỳ lạ, trong khoảnh khắc, tôi thấy trước mặt mình cả một vầng ký ức, cả một dòng kỷ niệm miên man. Ôm con thật lâu vào lòng, tôi thì thầm:
- Sẽ nhanh thôi. Khi nào hết dịch, gia đình mình về Việt Nam, con yêu nhé!
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhat-dinh-gia-dinh-minh-se-ve-n185673.html