Nhật ký biên giới

ĐBP - 'Biên giới mùa này nóng bỏng rãy bởi cái nắng tháng sáu nhưng cũng sẵn sàng ập xuống cơn mưa rừng xối xả, như thử thách sự can trường của những người lính trên chốt phòng, chống dịch Covid-19. Có thấm gì đâu, bản lĩnh của người lính biên phòng đã được tôi luyện rồi!'- đó là tâm sự của Trung úy Lê Nguyên Công, Đồn Biên phòng Sen Thượng, huyện Mường Nhé gửi gắm vào cuốn nhật ký của mình.

Trung úy Lê Nguyên Công bên trang nhật ký trên chốt phòng, chống dịch Covid-19.

Sau bữa cơm chiều vội vã trên chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tuyến biên giới Việt - Trung do Đồn Biên phòng Sen Thượng quản lý, cán bộ, chiến sĩ lại mỗi người mỗi việc: Người vào ca gác mới, người tranh thủ gọi điện thăm gia đình, người trầm tư như muốn gửi tâm tình vào bầu trời đêm. Bên chiếc bàn nhỏ trong lán dã chiến, Trung úy Lê Nguyên Công miệt mài bên trang nhật ký.

Chờ khi Công dừng bút hồi lâu, tôi mới tiến lại hỏi: “Công vừa viết thư à? Có muốn chị đem về thành phố gửi giúp không?” Công nói khẽ: “Em viết nhật ký chị ạ, với người lính vùng biên mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đặc biệt, và hôm nay càng đặc biệt hơn khi em và 2 đồng nghiệp được đích thân Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Thanh Dịu đến chốt trao quyết định thăng quân hàm”.

Công được thăng quân hàm từ thiếu úy lên trung úy, được thủ trưởng đến tận nơi động viên, trao quyết định nên anh em trong đội đều phấn khởi, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó. Trầm tư trong giây lát rồi Công tâm sự: Trở thành người lính biên phòng canh giữ bầu trời, bảo vệ Tổ quốc là niềm tự hào không chỉ với em mà của cả gia đình, dòng họ. Bởi thế, sau mỗi ca trực em lại ngồi viết nhật ký như một cách để lưu lại những khoảnh khắc, niềm tự hào của tuổi trẻ dành trọn niềm tin và lý tưởng cho Tổ quốc, “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Hỏi chuyện riêng về gia đình tôi biết Trung úy Lê Nguyên Công sinh năm 1995, quê ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An). Công đã lập gia đình và có 1 con gái 20 tháng tuổi, anh cũng là người con duy nhất của bố mẹ. Công cho biết từ khi còn bé đã mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành bộ đội biên phòng. Để thực hiện được ước mơ ấy, Công phải thi đến năm thứ 3 mới đỗ vào Học viện Biên phòng với số điểm 27,5. “Cái gì càng khó để có được thì càng cảm thấy trân quý, tự hào chị ạ!” - Công vui vẻ bộc bạch.

Năm 2019, Công ra trường và được phân công về Đồn Biên phòng Sen Thượng. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên là thực hiện đấu tranh phòng chống ma túy - tội phạm, bước vào trận chiến mới - trận chiến chống dịch Covid-19, Công được đơn vị phân công cắm chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại khu vực mốc số 14, rồi chốt ngã ba Sen Thượng.

Trung úy Lê Nguyên Công được Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh trao quyết định thăng quân hàm ngay tại chốt dã chiến phòng, chống Covid-19.

Cũng như bao đồng đội khác, những người có bố ốm mẹ đau mà không thể về bởi nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhiều ngày qua Công đã nhờ cuốn nhật ký gói hộ những niềm riêng. Như lời Công tâm sự: “Lần đầu được làm bố, em mong mỏi từng ngày. Em cũng thương vợ vì không thể ở gần để cùng vợ chào đón con gái bé bỏng. Nhưng em tin, vợ và con em sẽ hiểu nhiệm vụ của người lính biên phòng trên tuyến đầu chống dịch hôm nay”.

Chuyện cứ thế nối chuyện, khi đồng hồ điểm 22 giờ thì Công vội đứng lên nhận nhiệm vụ vào ca gác. Trước lúc Công đi, tôi đánh bạo hỏi một điều riêng: “Nhật ký của người lính biên phòng chắc thú vị lắm nhỉ?”. Công bẽn lẽn nói: “Em muốn viết nhiều mà không biết diễn đạt thế nào. Em cho chị đọc thì chị đừng cười em nhé”. Nói rồi, Công lật trang nhật ký đề “…ngày 12 tháng 6 năm 2021”, cho tôi đọc. Tôi đánh bạo hỏi Công một lần nữa: Chị có thể giới thiệu với bạn đọc Báo Điện Biên Phủ được không? Công cười nói: Em viết không hay đâu, chị bảo mọi người đừng cười em nhé!

“… Chốt phòng, chống dịch covid-19, đêm 12/6/2021.

Biên giới mùa này nóng bỏng rãy bởi cái nắng tháng sáu nhưng cũng sẵn sàng ập xuống cơn mưa rừng xối xả, như thách thức sự can trường của những người lính trên chốt phòng, chống dịch Covid-19. Có thấm gì đâu khi bản lĩnh của người lính biên phòng đã được tôi luyện rồi…

Đơn vị mình quản lý 23,493km đường biên giới Việt - Trung (từ mốc 8 - 16). Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị mình đã được thành lập 4 chốt phòng, chống dịch Covid-19, để kiểm soát, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép với lịch trực 24/24 giờ.

Đã lâu rồi mình chưa về thăm quê nhà, nhưng có thấm gì đâu khi Tổ quốc gọi tên mình! Và khi mình đang ngồi viết những dòng chữ này thì ngoài kia, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân tự vệ cũng đang căng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Ở đơn vị mình được cấp trên tạo điều kiện, thường xuyên động viên phần nào vơi nỗi nhớ nhà, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ đường biên, cột mốc; đẩy lùi dịch Covid-19. Dù cho cuộc chiến có thể còn dài nhưng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, bởi sự đoàn kết toàn dân ta đồng lòng.

Con gái yêu! Nhất định bố sẽ về thăm con khi hết dịch, con gái yêu của bố ngoan nhé!”

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-phong/187948/nhat--ky-bien-gioi