Nhật ký trader: Khi chiến tranh thương mại là nguồn cơn của 'sóng' vàng

Các mô hình phân tích kỹ thuật đang tỏ ra khập khiễng khi áp dụng để dự đoán giá vàng. Tin tức đang hoàn toàn chi phối giá vàng. Đó là điểm quan trọng để dịch chuyển từ việc kinh doanh dài hạn, sang ngắn hạn.

 Hãy theo sát tin tức từ chiến tranh thương mại, vì nó là khởi đầu về kỳ vọng và xu hướng của giá vàng.

Hãy theo sát tin tức từ chiến tranh thương mại, vì nó là khởi đầu về kỳ vọng và xu hướng của giá vàng.

Giá vàng đang có những biến động trái chiều song hành cùng diễn biến thông tin liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Giá vàng có lúc tăng vọt lên 1.535 đô la Mỹ/ounce, sau đó lại giảm mạnh, nhanh chóng về vùng 1.503 đô la Mỹ. Không phải chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu mà chính chiến tranh thương mại là nhân tố chính lái giá vàng suốt thời gian vừa qua.

Có lẽ nhiều nhà đầu tư vàng (gold trader) đã chuyển từ việc kinh doanh dài hạn, sang ngắn hạn - nghĩa là chuyển từ việc nhận định thị trường theo biểu đồ ngày (D1), tuần (W) sang biểu đồ ngắn hơn như biểu đồ 1 giờ (H1), 4 giờ (H4). Bởi lẽ, những tin tức từ quan hệ Mỹ - Trung diễn biến rất thất thường và thường xuyên có những luồng thông tin trái chiều, gây nhiễu loạn cho các quan điểm kinh doanh.

Chiến thuật giờ đây có lẽ là theo sát tiến trình đàm phán Mỹ - Trung, vào lệnh khi có tin tức mới và đóng lệnh sau đó vài giờ hoặc dài hơn, nhưng không nên để lệnh qua đêm, vì rất có thể hôm sau diễn biến thông tin lại trái ngược hoàn toàn.

Giá vàng chạy sát theo chiến tranh thương mại

Đêm thứ Sáu ngày 20-9-2019, Trung Quốc bất ngờ hủy lịch thăm nông trại Mỹ, làm dấy lên lo ngại về tiến trình đàm phán thương mại. Giá vàng ngay lập tức tăng mạnh sau khoảng thời gian đi ngang tại vùng giá 1.496-1.507 đô la Mỹ. Đà tăng tiếp tục đến hết ngày thứ Hai lên tới ngưỡng 1.535 đô la, tăng hơn 300 điểm (pips) kể từ khi có tin.

Ngay sau đó, ngày 25 và 26-9, vàng đã giảm mạnh về mốc 1.501 đô la rồi phục hồi nhẹ về vùng 1.506-1.507 đô la Mỹ/ounce, trước khi giảm mạnh xuống dưới 1.500 đô la Mỹ, có lúc chạm ngưỡng 1.485 đô la Mỹ khi quan hệ Mỹ - Trung có những chuyển biến thuận lợi. Theo đó, Trung Quốc phủ nhận phía mình đã hủy chuyến thăm nông trại Mỹ và Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng chiến tranh thương mại có thể kết thúc sớm hơn dự kiến khi Trung Quốc đang chuẩn bị mua khối lượng lớn nông sản từ Mỹ.

Trong khi thế giới đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm, thậm chí là bên bờ vực suy thoái, đi kèm với hàng loạt đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp của nhiều ngân hàng trung ương, thì câu hỏi đặt ra là yếu tố nào đang thực sự chi phối giá vàng?

Cắt giảm lãi suất cũng đồng nghĩa với việc làm suy yếu đồng tiền đó và nhu cầu về vàng sẽ tăng, mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ như yen Nhật (JPY). Kinh tế Nhật Bản đã trải qua giai đoạn dài suy thoái, giảm phát đi kèm các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, song vẫn không thể vực dậy được lạm phát là yếu tố then chốt khiến giới đầu tư coi yen Nhật là “vịnh tránh bão” trước mỗi cú sốc tài chính quốc tế.

Giống như vàng không có lạm phát, giai đoạn giảm phát của yen Nhật đã khiến nhu cầu mua loại tiền này tăng nhanh chóng chẳng kém gì vàng khi kinh tế thế giới có biến động. Hiện tại Nhật Bản đã có lạm phát, song vẫn ở mức thấp, cùng với một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Trở lại với việc tìm ra yếu tố chính đang chi phối giá vàng, thì chắc hẳn phải là chiến tranh thương mại, mà rộng ra là các bất ổn kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Sự rộng ra ở đây, cần kể tới các bất ổn từ khu vực Eurozone, như Brexit hay khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, khủng hoảng ở Venezuela. Nhưng có lẽ chiến tranh thương mại là then chốt, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nhìn lại cán cân thương mại hàng hóa, dịch vụ ở các nước có thể thấy rõ tác động từ cuộc chiến tới dòng chảy thương mại lớn như thế nào.

Cuộc chiến kéo dài 14 tháng này vẫn chưa có hồi kết và liên tục có những diễn biến mới, trái chiều. Không quá khi nói nó là nguồn cơn của sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu và theo sau đó là các gói nới lỏng tiền tệ và tài khóa để níu kéo tăng trưởng.

Giới đầu tư có thể nghĩ rằng, nếu quan hệ Mỹ - Trung tồi tệ hơn, kinh tế sẽ càng tăng trưởng chậm và vì vậy, các gói nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được bổ sung và nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, chiến tranh thương mại có lẽ là khởi đầu của các cơn sóng “giá vàng” vào thời điểm hiện tại.

Chiến thuật đầu tư vàng đã thay đổi

Các gold trader đã phải thay đổi chiến thuật so với thời điểm một tháng trước đó - thời điểm mà Trung Quốc áp thuế mới lên 75 tỉ đô la Mỹ hàng nhập khẩu từ Mỹ và Mỹ ngay lập tức đáp trả bằng đòn thuế tương tự, bởi hiện tại quan hệ Mỹ - Trung đang rất khó lường. Trung Quốc có dấu hiệu của sự “thấm mệt” khi cuộc chiến dai dẳng đang bào mòn lợi nhuận từ xuất nhập khẩu và tăng trưởng của quốc gia này.

Trung Quốc đang thể hiện thiện chí khi cam kết mua nông sản từ Mỹ, song quan trọng nhất là những bất đồng giữa hai bên rất khó để xử lý trong một sớm một chiều, nhất là khi Tổng thống Donald Trump luôn lấn át mọi quyền lợi về phía Mỹ.

Vì vậy, trong trung hạn, căng thẳng Mỹ - Trung đang rất khó đoán. Khi không biết rõ cuộc chiến sẽ có bước đi mới như thế nào, tốt nhất bạn hãy chờ tin tức mới. Hãy theo sát thị trường và trở thành một nhà “săn tin” nhanh nhạy. Hãy chỉ mở trạng thái khi có tin mới từ cuộc chiến thương mại này. Các trạng thái có thể đóng ngay trong biểu đồ Bốn giờ (H4) hay biểu đồ Ngày (D1) do rất có thể tin tức bất lợi sẽ diễn ra ngay ngày hôm sau - như dẫn chứng kể trên, đây chính là điều diễn ra trong thời gian qua.

Các mô hình phân tích kỹ thuật đang tỏ ra khập khiễng khi áp dụng để dự đoán giá vàng. Tin tức đang hoàn toàn chi phối giá vàng. Đó là điểm quan trọng để dịch chuyển từ việc kinh doanh dài hạn, sang ngắn hạn.

Ngoài ra, bạn cần tỉnh táo trong phân tích những tin tức tác động tới giá vàng. Những động thái chính sách tiền tệ, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vừa qua, đôi khi sẽ không khiến vàng tăng giá, thậm chí quay đầu giảm mạnh. Rất có thể do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đã khiến thị trường dự báo Fed giảm lãi suất từ trước đó và khi tin tức chính thức đưa ra thì nhiều gold trader đóng trạng thái, chốt lời khiến giá vàng chạy “ngược”.

Những ai đã chờ tới 2 giờ sáng để xem tin Mỹ giảm lãi suất vào ngày 19-9 để thực hiện mua vàng có lẽ đã lỗ nặng hoặc phải duy trì một trạng thái âm lớn, khi giá vàng giảm mạnh do động thái bán ra chốt lời vì sự kỳ vọng vào việc giảm lãi suất đã được thị trường “tiêu hóa” từ trước đó rồi.

Như vậy, hãy tỉnh táo và phân loại các tin tức. Diễn biến mối quan hệ Mỹ - Trung là tin đầu tiên dẫn tới sự thay đổi trong chính sách tiền tệ. Đồng thời, thị trường dường như không thể dự báo được những bước đi mới từ mối quan hệ này. Vì vậy, hãy theo sát tin tức từ chiến tranh thương mại, vì nó là khởi đầu về kỳ vọng và xu hướng của giá vàng.

Trọng Nghĩa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294826/nhat-ky-trader-khi-chien-tranh-thuong-mai-la-nguon-con-cua-song-vang.html