Nhật ra Sách Xanh, 'chọc giận' Nga-Hàn

Ngày 19-5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2020, trong đó khẳng định chủ quyền đối với 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi tỉnh Hokkaido mà Nga đang quản lý từ sau Thế chiến II cũng như đối với quần đảo hiện do Seoul kiểm soát và gọi là Dokdo trong khi Tokyo gọi là Takeshima.

Ngày 19-5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2020, trong đó khẳng định chủ quyền đối với 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi tỉnh Hokkaido mà Nga đang quản lý từ sau Thế chiến II cũng như đối với quần đảo hiện do Seoul kiểm soát và gọi là Dokdo trong khi Tokyo gọi là Takeshima.

Hàn Quốc tập trận trên quần đảo Dokdo/ Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản hồi năm ngoái. Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc tập trận trên quần đảo Dokdo/ Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản hồi năm ngoái. Ảnh: Yonhap

Nỗ lực giành các đảo tranh chấp với Nga

Sách Xanh nhấn mạnh 4 đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là quần đảo Nam Kurillà “thuộc chủ quyền của Nhật Bản”, đồng thời khẳng định vấn đề tranh chấp đối với các hòn đảo này là vấn đề “quan ngại nhất”, và Nhật Bản sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề này.

Liên Xô tuyên bố chủ quyền các đảo này sau khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, mà Moscow cho là kết quả chính đáng của cuộc chiến. Tokyo lập luận việc mua lại là bất hợp pháp và tiếp tục yêu cầu trả lại đảo. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ khẳng định “4 hòn đảo ở phía Bắc thuộc về Nhật Bản” trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2018, và loại bỏ câu này trong phiên bản năm 2019. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn hy vọng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin trao trả đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai cho nước này theo Tuyên bố chung mà hai nước đã ký năm 1956. Tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước đã mở ra con đường hướng tới việc ký hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka tháng 6-2019, các nhà lãnh đạo hai nước đã không đạt được thỏa thuận nào, khiến triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình đánh dấu sự chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước trở nên mờ mịt.

Hàn Quốc tức giận

Sách Xanh ngoại giao thường niên mới nhất của Nhật Bản cũng có nội dung khẳng định chủ quyền đối với quần đảo hiện do Seoul kiểm soát và gọi là Dokdo trong khi Tokyo gọi là Takeshima. Tokyo khẳng định quần đảo nói trên là "phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản về phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế" và cho rằng Hàn Quốc vẫn "đang chiếm đóng trái phép quần đảo này".

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc triệu một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản đến để bày tỏ phản đối. Theo Yonhap, Vụ trưởng các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim Jung-han đã triệu ông Hirohisa Soma, một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, đến bày tỏ lấy làm tiếc về nội dung Sách Xanh, đồng thời hối thúc Tokyo rút lại những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo trên.

Seoul luôn bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo trên, khẳng định phía Hàn Quốc đã giành lại độc lập từ ách cai trị của Nhật Bản và lấy lại chủ quyền lãnh thổ, bao gồm quần đảo Dokdo. Từ năm 1954 đến nay Hàn Quốc đã triển khai một đơn vị cảnh sát trên quần đảo này. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn trong tình trạng căng thẳng do những vấn đề thương mại và lịch sử, trong đó có vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2020, Nhật Bản mô tả Hàn Quốc là một “nước láng giềng quan trọng”, nhưng cho biết quan hệ song phương “vẫn rất nghiêm trọng” do những tranh cãi về một loạt các vấn đề.

Hai quốc gia đã xảy ra bất hòa sau các phán quyết vào năm 2018 của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các Cty Nhật Bản phải đền bù cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy Nhật Bản trong giai đoạn 1910-1945, thời kỳ Nhật Bản cai trị bán đảo Triều Tiên. Hồi tháng 7-2019, Tokyo thắt chặt các quy định về xuất khẩu các vật liệu chính để sản xuất chất bán dẫn sang Hàn Quốc, động thái mà Seoul cho là sự trả đũa của Tokyo đối với phán quyết của tòa án. Seoul đáp trả bằng cách tuyên bố chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương, mặc dù sau đó đã ngừng quyết định này. Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia hưởng ưu đãi thương mại.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_225057_nhat-ra-sach-xanh-choc-gian-nga-han.aspx