Nhẹ gánh

Bà mong trời sáng nên cứ trằn trọc mãi, mắt vẫn mở chong chong. Đêm nay là một đêm dài, bà mong sáng ra để bà nhắn ông trưởng thôn và mấy người trong họ hàng đến, nhắn ba thằng con trai của bà nữa.

Bà quyết định chia miếng đất hương hỏa ra làm ba phần, mỗi thằng một phần. Bà nằm nghĩ vẩn vơ, thấy đau nhói ở ngực như bị ai đâm và từ hai hốc mắt nhăn nheo mờ đục, nước mắt cứ rỉ ra, mặn chát.

Ông chết vì ung thư phổi khi vừa tròn tuổi bảy mươi. Ông dặn bà: Tui kiểu chi cũng chết trước nên trồng một hàng dừa, một vườn na, đào ao thả cá để sau này bà có tiền mà dưỡng già... Ông bà có năm sào vườn, đất màu mỡ. Cứ đến mùa nước cạn, cá dưới ao kéo lưới bán một năm 3 - 4 lần. Trên bờ ao trồng chuối, một buồng bán ra là có hơn trăm bạc. Rồi dừa, na, mía... Ông bà không phụ thuộc vào con cái, vẫn tự làm, tự ăn được, rảnh rỗi thì phụ giúp chăm cháu nội, cháu ngoại. Thằng con trai út dắt díu vợ con vào định cư Lâm Đồng, có đất, có nhà trong đó rồi, thi thoảng về thăm quê. Thằng Hai và thằng Ba ở gần nhà ông bà, kinh tế cũng vững, lâu lâu chạy qua chạy lại. Cô con gái đầu lòng thì làm dâu ngay xóm dưới.

Ông mất, bà vẫn ở một mình trong ngôi nhà cũ để chăm con cá, mảnh vườn. Tính bà ưa sạch sẽ, ngại phiền lụy đến con cái. Mấy gian nhà, vườn tược luôn được quét tước gọn ghẽ, tinh tươm. Năm nay bà vừa tròn tám mươi.

Thằng Ba quyết định làm nhà mới. Nhưng không phải trên cái nền nhà cũ bấy lâu nay của hai vợ chồng nó mà trên đất vườn của ông bà. Ba nói:

- Tui làm nhà to trên đất của mẹ. Để tiện bề chăm sóc mẹ khi tuổi già. Xin ý kiến bác và chú.

Thằng Út nói luôn:

- Em tuy không ở quê nhưng sau này già, cũng cần có tí đất để quay về, em không đồng ý.

Thằng Hai lên tiếng:

- Tui là con trưởng. Chú lấy hết đất hương hỏa tổ tiên hóa ra tui thành lép vế à? Có thì chia ba, mỗi thằng một phần cho công bằng chú ạ.

Ba vùng vằng:

- Tui muốn lấy cả, làm xong nhà còn có tí vườn tược. Chứ năm sào đất chia ba ra, ai ở, ai đừng?

Bà không ngờ thằng thứ ba hiền lành, ít nói nhất trong bốn đứa con của ông bà lại tham lam đến vậy. Vài năm sau, bà già yếu, đất vườn bỏ hoang cho cỏ mọc, không thằng nào đụng đến nữa.

Bà ốm một trận tưởng chết. Bà gọi các con đến để đưa đi viện, không đứa nào chịu. Chúng bảo: Mẹ già rồi nên bệnh già, đau ốm chi mà đi viện! Đến khi thấy bà ăn vào không nạp nữa, chỉ nôn ọe khan, chúng mới gọi xe đưa bà vào bệnh viện. Bà bị khối u dạ dày giai đoạn cuối. Nằm viện suốt cả tháng trời.

Ba thằng con bà chăm mẹ rất sòng phẳng, mỗi thằng một tuần xoay vòng, không hơn không kém. Ơn trời, bà qua được đợt ấy, xuất viện. Nhưng nay cần phải phục vụ tận nơi, bà không tự đi lại, nấu ăn được nữa. Thằng Út ở xa, thằng Hai bận việc công ít được nghỉ, nên thằng Ba đón bà về chăm.

Trong cái nhà 3 tầng to rộng mới xây, bà là người cô đơn tột độ. Mỗi lần thay rửa cho mẹ, thằng Ba càm ràm:

- Bà mãi không chịu dậy mà đi đi. Chỉ tổ làm tội con tội cháu.

- Khi xưa giá như bà để cho tui làm nhà trên miếng đất đó. Tui đào lại ao thả cá, chăm mấy sào vườn, chăm luôn cả bà có phải hơn không.

Bà lặng im, nước mắt chảy ngược.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thằng Ba lại gọi Hai và Út về để làm một cuộc phân chia. Lần này, không phải chia đất mà là chia phiên nuôi mẹ:

- Mẹ là mẹ chung. Một mình tui chăm không nổi. Bác với chú coi thế nào đón về.

Thằng Hai chốt: Vợ tui làm xa, tui thì bận việc, đón mẹ về cũng không chăm được.

Đến lượt Út phân bua: Vợ chồng em thì chăm được mẹ nhưng mẹ già rồi, chỉ muốn ở quê gần họ hàng, mẹ không vào Nam.

Cô con gái cả đề nghị: Hay mẹ về ở với chị. Các cháu lớn đi học xa cả rồi. Chị đón mẹ về dưới nhà chị cho tiện chăm sóc

- Không được. Chị đón mẹ về để thiên hạ cười vào mặt chúng tôi à. Con trai đầy ra không nuôi được mẹ hay sao đến lượt con gái phải nuôi.

Thế này không được, thế kia cũng không hợp lý. Thôi đành bà vẫn ở nhà thằng Ba, mà đêm hôm đau khắp mình mẩy, không ai đấm bóp, nâng vực, ngày không ai chuyện trò hỏi han. Cả tháng trời hai vợ chồng mặt nặng mày nhẹ vì miếng đất năm sào để cho cỏ lên, chưa được hưởng mà phải vất vả chăm mẹ ốm.

Bà khóc nói với con gái: "Cầu trời cho mẹ đi lại được để về bên nhà, quét dọn nhà cửa, vườn tược, chứ ở đây khổ lắm con ơi".

Cô con gái cả đứng ra dàn xếp: Chị đưa mẹ về chơi ít bữa rồi trả lại các cậu. Các cậu bận công việc thì cứ đi làm, chị chăm mẹ. Trai hay gái cũng phải có trách nhiệm với mẹ, nhất là những lúc ốm đau.

Đêm dài thật, càng mong thì trời càng lâu sáng. Chập chờn, bà thấy mình về ở trong ngôi nhà cũ, độ ấy, mỗi bận đi chợ về, bà chỉ đủ tiền mua cho bốn đứa con một chiếc bánh đa vừng giá 200 đồng. chúng háo hức chia nhau miếng ít miếng nhiều, đứa lớn nhường đứa bé, râm ran cả một góc sân. Nhìn lũ con, bà len lén gạt nước mắt.

BẢO PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhe-ganh-19624092818541296.htm