Nhen lên hy vọng sớm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran
Một lần nữa, hy vọng sớm khôi phục đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), lại được thắp lên sau vòng đàm phán mới nhất giữa các nước liên quan.
Theo Reuters, vòng đàm phán mới của Ủy ban chung về JCPOA gồm: Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại cung điện Palais Coburg ở thủ đô Vienna (Áo) ngày 29-11. Phái đoàn Mỹ do đặc phái viên phụ trách vấn đề Iran của Nhà Trắng Robert Malley dẫn đầu, vẫn tham gia gián tiếp vì Tehran từ chối gặp mặt trực tiếp. Trước đó, 6 cuộc thương thảo với hình thức tương tự đã được tổ chức cho đến tháng 6 vừa qua, khi Iran yêu cầu tạm ngưng do nước này có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo với việc ông Ebrahim Raisi trở thành tổng thống.
Sau khi những cuộc gặp đầu tiên trong vòng đàm phán mới lần này kết thúc, quan chức các bên đều bày tỏ lạc quan về kết quả bước đầu. Đặc phái viên của EU phụ trách điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora, cho biết đã thuyết phục phía Iran và nhận được sự đồng tình rằng những gì đạt được ở 6 vòng đầu tiên là cơ sở tốt để các bên tiếp tục thảo luận, tìm kiếm giải pháp. “Tôi cảm thấy vòng đàm phán ngày 29-11 diễn ra vô cùng tích cực”, ông Mora khẳng định.
Đồng quan điểm với Đặc phái viên của EU, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna Mikhail Ulyanov viết trên trang Twitter cá nhân rằng, các bên đã đồng tình về những bước đi ngay lập tức tiếp theo trong vòng đàm phán thứ 7, vốn khởi đầu “một cách khá thành công”. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani chia sẻ, các bên cũng nhất trí chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Tehran. “Vâng, tôi có”, Trưởng đoàn đàm phán Iran trả lời phóng viên khi được hỏi bản thân có cảm thấy lạc quan về vòng đàm phán này hay không.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này lại chưa được công bố. Đó là kết quả cụ thể của vòng đàm phán thứ 7 cũng như thời gian cho những vòng đàm phán tiếp theo.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký vào năm 2015, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương rút lui 3 năm sau đó và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran. Đáp lại, Iran trả đũa bằng cách dần thu hẹp nhiều cam kết của mình trong thỏa thuận. Sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống, chính quyền Washington nhiều lần bày tỏ ý định đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Nhằm cứu vãn thỏa thuận này, Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA đã nối lại đàm phán trực tiếp từ tháng 4-2021, tại Vienna trong khi phía Mỹ tham gia gián tiếp.
Mục đích chính của tiến trình đàm phán là các bên thảo luận về triển vọng Mỹ có thể quay trở lại JCPOA và cách để bảo đảm tất cả các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận. Tuy nhiên, lập trường “không bên nào chịu nhường bên nào” vẫn đang là rào cản lớn nhất để các nước tìm được tiếng nói chung. Trong khi Mỹ vẫn yêu cầu Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, thì Tehran cương quyết kêu gọi Washington và Brussels dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này từ năm 2017, kể cả những trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, trước khi đòi hỏi nước Cộng hòa Hồi giáo này tái thực thi các điều khoản.
Việc các nước quay trở lại bàn đàm phán sau thời gian dài trì hoãn và đưa ra những phát ngôn tích cực, lạc quan đã phần nào cho thấy thiện chí đối thoại nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Dù vậy, vòng đàm phán lần này có ghi nhận được bước tiến đáng kể nào không thì vẫn phải chờ đợi các bên công bố chính thức.