Nhiệm kỳ ngắn ngủi đầy sóng gió của cựu hiệu trưởng Đại học Harvard

Bà Claudine Gay mới nhậm chức 6 tháng nhưng phải từ chức vì loạt tranh cãi gần đây. Sự ra đi của bà vẫn để lại dấu hỏi lớn cùng loạt tranh luận trong cộng đồng sinh viên.

Chiều 2/1, Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay - thông báo từ chức sau khi hứng chịu loạt chỉ trích từ dư luận về cáo buộc đạo văn cùng những lần vạ miệng khi nói về chủ nghĩa bài Do Thái trong trường học.

Rời khỏi vị trí hiệu trưởng chỉ sau 6 tháng 2 ngày nhậm chức, bà Claudine Gay trở thành lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử gần 400 năm của Đại học Harvard.

6 tháng sóng gió

Bà Claudine Gay nhậm chức Hiệu trưởng Harvard vào ngày 1/7/2023, chỉ 2 ngày sau khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết chống lại Harvard trong vụ việc trường này bị tố phân biệt chủng tộc trong khâu tuyển sinh.

Thời điểm đó, bà Gay được kỳ vọng sẽ trở thành người có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng của Đại học Harvard, từ chuyện phân biệt sinh viên gốc Á, việc mở rộng khuôn viên trường cho đến sự phàn nàn của các giảng viên về khối lượng công việc ngày càng tăng.

Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng nhậm chức, mọi chuyện thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Sóng gió đầu tiên bà Gay hứng chịu bắt nguồn từ làn sóng bài Do Thái xảy ra trong khuôn viên Đại học Harvard hôm 7/10. Thời điểm đó, bà tỏ ra lạnh lùng, không quan tâm và hoàn toàn im lặng dù trước đó, khi mới lên làm hiệu trưởng, bà cam kết sẽ thực hiện đúng chính sách Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, khi được hỏi rằng những hành động phân biệt chủng tộc có vi phạm quy tắc ứng xử của Harvard hay không, bà Gay đưa ra câu trả lời lấp lửng rằng: "Điều đó phụ thuộc vào bối cảnh".

 Bà Claudine Gay đối mặt với gần 50 cáo buộc đạo văn. Ảnh: Reuters.

Bà Claudine Gay đối mặt với gần 50 cáo buộc đạo văn. Ảnh: Reuters.

Còn về bê bối đạo văn, vụ việc bắt đầu nổ ra vào cuối tháng 10 khi New York Post thông báo đang tìm hiểu về 27 cáo buộc đạo văn của bà Claudine Gay. Thời điểm đó, phía Đại học Harvard vấn phủ nhận và tuyên bố sẽ kiện tờ báo này ra tòa.

Nhưng chỉ vài ngày sau, phía Harvard Corporation có động thái đầu tiên là đánh giá lại những tác phẩm bà Gay đã xuất bản. Kết quả, đến ngày 9/12, tổ chức này tìm thấy một số trường hợp "trích dẫn không đầy đủ" trong 2 bài báo của nữ hiệu trưởng Harvard.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, bà Gay tiếp tục vướng vào loạt cáo buộc đạo văn khác đến từ nhiều cá nhân, đơn vị như một giáo sư đại học, nhà hoạt động Christopher F. Rufo và trang báo Washington Free Beacon. Luận án tiến sĩ năm 1997 của hiệu trưởng Harvard cũng bị lật lại với loạt nghi vấn trích dẫn không đầy đủ.

Tính đến ngày 1/1, số cáo buộc đạo văn chống lại bà Claudine Gay đã lên đến 46. Ban đầu, vị giáo sư ẩn danh chỉ nêu ra 40 cáo buộc đạo văn. Nhưng đến hôm 1/1 vừa rồi, ông lại nộp thêm đơn khiếu nại, bổ sung bằng chứng cho thấy bà Gay đạo văn thêm 6 lần khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gay gắt với bà Claudine Gay trong câu chuyện này. Lấy ví dụ về ông Stephen Voss, người được cho là một trong những tác giả bị bà Gay đạo văn.

Người này nói với Boston Globe rằng nội dung mà bà Gay đã đạo của ông để đưa vào luận án năm 1997 được gọi là "đạo văn về mặt kỹ thuật", nghĩa là trình bày ý tưởng của người khác, có hoặc không có sự đồng ý của tác giả, nhưng lại không trích nguồn đầy đủ.

Nhìn chung, ông Voss công nhận bà Gay đạo văn của mình, nhưng không phải là trường hợp nghiêm trọng. Một số tác giả khác - những người cũng được cho là bị bà Gay đạo văn - cũng nói rằng những nội dung bị cáo buộc không phải đạo văn.

Harvard khủng hoảng vì phải tìm người thay thế

Trước áp lực từ dư luận, bao gồm sinh viên, các nhà lập pháp, nhà tài trợ..., bà Claudine Gay quyết định từ chức và trở về với vai trò giảng viên của Đại học Harvard. Một nguồn tin thân cận với nữ hiệu trưởng cho biết bà đưa ra quyết định này từ tuần trước, theo Harvard Crimson.

Do bà Gay từ chức, Đại học Harvard quyết định đưa ông Alan M. Garber, Giám đốc học thuật của trường, lên làm Hiệu trưởng lâm thời. Cùng với đó, phía Harvard Corporation thông báo bắt đầu quá trình tìm kiếm hiệu trưởng mới.

Trong email thông báo, Harvard Corporation không nêu rõ mốc thời gian bổ nhiệm hiệu trưởng, cũng không đề cập việc thành lập ủy ban để tìm hiệu trưởng mới, nhưng có thể họ sẽ tham khảo ý kiến từ cộng đồng Harvard trong thời gian tới.

Quá trình tìm kiếm tân hiệu trưởng cho Harvard dự kiến diễn ra trong 6 tháng hoặc có thể lâu hơn. Các ứng cử viên cho vị trí này sẽ là giảng viên, cựu quản trị viên, các chuyên gia giáo dục đại học trong hoặc ngoài Harvard.

Đối với Đại học Harvard, tìm được hiệu trưởng mới trong giai đoạn này cũng rất khó khăn vì những bê bối xảy ra trong 3 tháng gần đây khiến nhiều người trong cộng đồng Harvard mất niềm tin. Nhiều người cho rằng Harvard Corporation sai lầm trong việc bảo vệ bà Gay. Các thành viên trong hội đồng cũng đối mặt với áp lực dư luận và bị kêu gọi từ chức.

 Ông Alan M. Garber tạm thời giữ chức Hiệu trưởng của Đại học Harvard. Ảnh: Harvard Crimson.

Ông Alan M. Garber tạm thời giữ chức Hiệu trưởng của Đại học Harvard. Ảnh: Harvard Crimson.

Áp lực của những cuộc khủng hoảng gần đây cũng đè nặng lên vai hiệu trưởng lâm thời. Đảm nhận trọng trách mới, ông Garber sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là dẫn dắt Đại học Harvard vượt qua thời kỳ hỗn loạn nhất trong suốt gần 2 thập kỷ qua.

Là một người Do Thái, ông Garber được kỳ vọng sẽ gắn kết Harvard - nơi mà những người trong cộng đồng vẫn đang bị chia rẽ về chủ nghĩa bài Do Thái nổ ra trong thời gian gần đây.

Trong một tuyên bố hôm 3/1, ông Garber nói rằng ông sẽ tập trung vào việc thúc đẩy sứ mệnh của một lãnh đạo đại học, đồng thời hàn gắn lại ngôi trường mà ông yêu quý.

"Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, hôm nay vẫn là một ngày khó khăn nhưng tôi biết Harvard có thể cùng nhau làm được những gì", ông Alan M. Garber nói.

Sinh viên chia rẽ khi hiệu trưởng từ chức

Khi Hiệu trưởng Claudine Gay từ chức, sinh viên Đại học Harvard có những phản ứng trái chiều.

Một số người cho rằng đây là điều cần thiết để duy trì danh tiếng cũng như tính liêm chính trong học thuật, trong khi một số sinh viên khác lại cho rằng việc bà Gay từ chức là minh chứng cho việc Harvard đang phải đầu hàng trước các nhà tài trợ giàu có và những chính trị gia có quyền lực.

Trao đổi với Harvard Crimson, một số sinh viên nói rằng họ cảm thấy việc Hiệu trưởng Gay từ chức đã làm rõ một vấn đề là những tác nhân bên ngoài như tỷ phú, nhà đầu tư Bill A. Ackman, nhà hoạt động Christopher F. Rufo hay thành viên Hạ viện Mỹ Elise M. Stefanik đang có sức ảnh hướng đến những quyết định quan trọng của Đại học Harvard.

 Cộng đồng sinh viên Harvard chia rẽ trước sự rời đi của bà Claudine Gay. Ảnh: Harvard Crimson.

Cộng đồng sinh viên Harvard chia rẽ trước sự rời đi của bà Claudine Gay. Ảnh: Harvard Crimson.

Jeremy Ornstein, người đứng ra một cuộc kêu gọi trong cộng đồng sinh viên để ủng hộ bà Claudine Gay, nói rằng anh tôn trọng quyết định của hiệu trưởng, nhưng anh vẫn thất vọng khi nghe tin này.

"Tôi thấy rất thất vọng và bất an khi thấy những người có tiền và quyền lực có thể gây tác động mạnh đến trường đại học", Ornstein nói.

Daniella M. Berrospi, một sinh viên khác, cũng cho rằng bà Claudine Gay từ chức là để bảo vệ nguồn tài trợ nhất định của Đại học Harvard nhằm đảm bảo trường giữ được những nguồn lực thiết yếu.

"Tôi thấy rằng việc hiệu trưởng rời đi dường như bị tác động nhiều từ những yếu tố bên ngoài chứ không phải do bà ấy muốn vậy. Tôi có cảm giác bà ấy đang đưa ra quyết định có lợi cho sinh viên", sinh viên này nói.

Trong khi đó, một số sinh viên khác tin rằng việc bà Claudine Gay từ chức là rất đúng đắn trong thời điểm này vì điều đó giải quyết thỏa đáng các cáo buộc đạo văn và xây dựng lại niềm tin với cộng đồng người Do Thái.

Alexander L.S. Bernat, một sinh viên Do Thái, nói rằng anh rất mừng khi biết tin, đồng thời nhấn mạnh bà Gay đáng lẽ phải từ chức sớm hơn.

"Thời điểm tốt nhất để bà ấy từ chức là ngay sau phiên điều trần trước Quốc hội. Nhưng giờ từ chức cũng được vì thời điểm này cũng khá phù hợp", Bernat nêu quan điểm.

Joshua A. Kaplan, cũng có chung quan điểm với Bernat. Sinh viên này cho rằng việc nữ hiệu trưởng từ chức là một bước đi đúng đắn đối với Đại học Harvard.

Là một sinh viên, Kaplan kỳ vọng hiệu trưởng tiếp theo của Harvard sẽ có những hành động phù hợp để xây dựng lại hình ảnh cho trường và tạo dựng lại lòng tin cho cộng đồng người Do Thái ở Harvard.

"Chúng ta sẽ còn một chặng đường dài phía trước nhưng tôi tin đây sẽ là một khởi đầu tốt đẹp", nam sinh nói.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhiem-ky-ngan-ngui-day-song-gio-cua-cuu-hieu-truong-dai-hoc-harvard-post1452696.html