Nhiệt độ thế giới 3 ngày liên tiếp lập kỷ lục nóng, các nhà khoa học nói gì?
Trong ba ngày qua, từ 3 - 5.7, nhiệt độ toàn cầu đã liên tục ghi nhận kỷ lục về ngày nóng nhất trên Trái đất, kể từ ít nhất là năm 1979.
Theo Bộ phân tích khí hậu (một công cụ tổng hợp dữ liệu và mô phỏng để đo bầu khí quyển toàn cầu) của Đại học Maine, nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới vào hôm thứ hai (3.7) đã tăng lên 17 độ C, trong khi thứ ba và thứ tư đều 17,2 độ C.
Mặc dù những mốc nhiệt độ này có vẻ không cao lắm, nhưng cần nhớ chúng biểu thị cho mức trung bình toàn cầu, kết hợp các phép đo từ cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, nơi đang mùa đông. Cũng cần lưu ý mức nhiệt cao toàn cầu hôm thứ ba (4.7) và thứ tư (5.7) cao hơn gần 1 độ C so với mức trung bình của những năm 1979-2000, vốn đã đứng đầu mức trung bình của thế kỷ 20 và 19.
Các kỷ lục về nhiệt độ cao đã bị vượt qua trong tuần này ở Quebec (Canada) và Peru. Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã báo cáo 9 ngày liên tiếp kể từ tuần trước, nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Zack Taylor, nhà khí tượng học của Cơ quan Ứng phó thời tiết quốc gia Mỹ, cho biết các thành phố trên khắp Mỹ: từ Medford, bang Oregon (vùng Tây Bắc), đến Tampa, bang Florida (vùng Đông Nam), đã ở mức cao nhất mọi thời đại.
Ngay cả những khu vực bình thường mát mẻ cũng đang chịu nóng bức. Ở North Grenville, bang Ontario (Canada), thành phố đã tận dụng các sân khúc côn cầu trên băng thành trung tâm làm mát khi nhiệt độ hôm 5.7 lên tới 32 độ C. Thậm chí, độ ẩm cao còn khiến người ta có cảm giác như đang ở 38 độ C. Người phát ngôn của thành phố Jill Sturdy ví von: “Tôi cảm thấy như chúng ta đang sống ở một đất nước nhiệt đới”.
Tháng 7 không phải là tháng duy nhất phá kỷ lục. Cơ quan Ứng phó biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu phát hiện ra rằng tháng trước là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,2 độ C so với tháng 6.2022.
Theo AP, các đợt nắng nóng nguy hiểm đã hoành hành ở các bang vùng đông nam Mỹ trong tuần qua, chẳng hạn Texas, nơi có ít nhất 13 người tử vong do các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Các chuyên gia cho biết vệt nóng kéo dài 3 ngày có thể được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu, cũng như sự xuất hiện của hiệu ứng El Nino, một kiểu khí hậu đặc trưng bởi nhiệt độ tăng cao ở bề mặt biển Thái Bình Dương xung quanh đường xích đạo. Các nghiên cứu cho thấy hiện tượng El Nino có thể thay đổi điều kiện khí quyển đủ để tăng các đợt nắng nóng trên khắp thế giới.
Kim Cobb, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Georgia phân tích: “Thật hữu ích khi nhớ rằng Thái Bình Dương bao phủ gần một nửa hành tinh. Trong một sự kiện El Nino, một phần rất lớn của hành tinh đang... đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao".
Các nhà khoa học dự đoán rằng sóng nhiệt biển liên quan đến El Nino có thể tàn phá quần thể cá và san hô, tương tự như sự kiện El Nino năm 2016, gây ra sự kiện “tẩy trắng san hô” lớn nhất toàn cầu.
Bộ phân tích khí hậu lấy dữ liệu từ các công cụ đo lường khí quyển, quan sát bề mặt và cả từ vệ tinh để ước tính nhiệt độ trung bình toàn cầu. Mặc dù các giá trị không được coi là ước tính chính thức của chính quyền, Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết họ sẽ xem xét các phép đo này khi tính toán kỷ lục về nhiệt độ.
Theo NOAA, bộ dữ liệu được sử dụng cho hồ sơ không chính thức chỉ có từ năm 1979, nhưng khi đối chiếu với các dữ liệu khác, có thể thấy chúng ta đã chứng kiến ngày nóng nhất trong “vài trăm năm qua”.
Các nhà khoa học thường sử dụng các phép đo dài hơn nhiều - hàng tháng, hàng năm, hàng thập niên để theo dõi sự nóng lên của Trái đất. Nhưng nhiệt mức cao trong phạm vi ngày là một dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang đạt đến giới hạn chưa từng có.
Sean Birkle, nhà khoa học khí hậu của Đại học Maine, người tạo ra Bộ phân tích khí hậu, cho biết các số liệu hằng ngày là không chính thức nhưng là một bức ảnh chụp nhanh hữu ích về những gì đang xảy ra trong một thế giới ngày càng nóng lên. Birkle ví von: “Hãy nghĩ về nó như chiếc cặp nhiệt độ của một người bị ốm. Nó cho bạn biết có điều gì đó không ổn".
Cobb nói: "Các kỷ lục nhiệt độ liên tục xuất hiện. Nhưng chính những gì chúng tác động gây ra tổn thất mới khiến ta phải chú ý. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự kiện này, có thể đó là một thảm họa chồng chất do sự nóng lên hằng năm mà chúng ta thừa biết là do phát thải nhiên liệu hóa thạch".
Nhà khoa học khí hậu Andrew Dessler của Texas A&M còn tỏ ra bi quan khi cho biết, vì nhân loại không ngừng thải khí nhà kính vào khí quyển nên các thế hệ tương lai sẽ coi mùa hè năm 2023 là “một trong những mùa hè tuyệt vời nhất trong phần đời còn lại của chúng ta”.
Theo báo cáo tháng 5 của Tổ chức Khí tượng thế giới, đối mặt với các mối đe dọa kết hợp của biến đổi khí hậu và El Nino, thế giới hiện nay có nhiều khả năng không vi phạm mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C - mục tiêu được thiết lập theo Thỏa thuận Paris 2015 nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu - trong vòng 5 năm tới.