Nhiều biến động từ các kênh đầu tư tài chính
Giá vàng liên tục lập kỷ lục mới, tỷ giá USD tăng 'nóng' ngay từ đầu năm đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Thị trường chứng khoán có xu hướng phục hồi nhưng lại vừa ghi nhận phiên nghẽn lệnh bất ngờ từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 6-3. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm mới xuất hiện lại tình trạng nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán trong nước.
* Giá vàng, giá USD tăng “nóng”
Những ngày gần đây, giá vàng miếng SJC tiếp tục lập kỷ lục mới, có thời điểm mua vào ở mức 79,8 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 81,8 triệu đồng/lượng, qua đó thiết lập mức giá kỷ lục mới. Giá vàng miếng PNJ cũng tăng cao so với cuối tháng 2-2024, có thời điểm ghi nhận ở mức 66,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 68,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng Âu Vàng Phúc Long của Tập đoàn Vàng bạc trang sức Doji có thời điểm mua vào ở mức 79,75 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 81,75 triệu đồng/lượng, tăng 2,3 triệu đồng/lượng so với thời điểm cuối tháng 2-2024.
Bên cạnh đó, giá các loại vàng nhẫn tiếp đà tăng mạnh và liên tục vượt kỷ lục trong năm nay với mức giá bán ra từ 6,81-6,88 triệu đồng/chỉ. Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng tổng cộng hơn 550 ngàn đồng/chỉ (tương đương 5,5 triệu đồng/lượng). Cụ thể, vàng nhẫn trơn SJC 9999 mua vào khoảng 6,69 triệu đồng/chỉ, bán ra 6,815 triệu đồng/chỉ; vàng nhẫn PNJ (24K) mua vào 6,685 triệu đồng/chỉ, bán ra 6,815 triệu đồng/chỉ; nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng của Doji mua vào 6,75 triệu đồng/chỉ, bán ra ở mức 6,88 triệu đồng/chỉ…
Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại thành phố Biên Hòa (SJC Biên Hòa) Nguyễn Khoa Tâm cho hay, lượng giao dịch vàng miếng, nữ trang trong những ngày vừa qua tăng khá mạnh, gần gấp đôi so với trước Tết Nguyên đán. Nhiều người đầu tư chuyển hướng sang “ôm” các loại vàng nhẫn thay vì đầu tư vàng miếng. Điều này khiến cho lượng vàng nhẫn có nhiều thời điểm bị khan hiếm, nhiều người muốn mua phải chấp nhận chờ 2-3 ngày mới mua được.
Ông Trần Phước Thọ, quản lý Trung tâm Vàng bạc trang sức Doji Biên Hòa (thành phố Biên Hòa) cho biết, giá vàng tăng cao đột biến khiến cho nhiều nhà đầu tư phân vân trong việc lựa chọn, trong đó nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán vàng miếng để được giá cao rồi chuyển qua mua các loại vàng nhẫn. Lượng khách bán vàng miếng những ngày qua tại cửa hàng tăng khoảng
30-40% so với trung bình ngày thường.
Lý giải hiện tượng vàng nhẫn khan hiếm, một số chủ cửa hàng kinh doanh vàng nhận định, tâm lý của nhiều người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng hiện ở mức thấp. Nhưng người đầu tư ưu tiên chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước kia do lo ngại những biến động mạnh từ thị trường vàng miếng.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD đã tăng ngay từ đầu năm sau thời gian dài hạ nhiệt. Sau 2 tháng đầu năm, tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã tăng trên 1,7%, cho thấy diễn biến tỷ giá khá khác biệt so với các năm trước. Mức tăng tập trung vào những ngày từ giữa tháng 2 đến nay, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong vòng chưa đầy 2 tuần qua, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 300 đồng/USD. Những ngày qua, có thời điểm tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh, lên sát mốc 25 ngàn đồng ở chiều bán ra. Đây là mức cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam chi nhánh Đồng Nai BÙI QUỐC PHONG, trong quá trình đi lên của VN-Index, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành cơ bản và công nghệ đang đem lại hiệu suất đầu tư rất tốt so với thị trường chung. Tại Đồng Nai, ưu thế tăng trưởng dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu bất động sản - khu công nghiệp như: Sonadezi (SZC, SZG..), TIP, DHA, D2D, TLH...
* Bất ngờ từ thị trường chứng khoán
Theo nhiều chuyên gia về đầu tư chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục và tăng trưởng từ đầu năm đến nay cũng nằm trong xu thế chung của thị trường chứng khoán toàn cầu. Khi các yếu tố khó khăn nhất của kinh tế vĩ mô đã đi qua, sự hồi phục và phát triển trở lại của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng và tham gia thị trường để sớm nắm bắt cơ hội.
Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Bùi Quốc Phong nhận định, chỉ số VN-Index có sự hồi phục mạnh mẽ trong thời gian qua, đóng góp chính vẫn đến từ các nhóm ngành: ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản. Trong đó, sự tăng tốc của nhóm ngành chứng khoán góp phần không nhỏ trong đà tăng chung của VN-Index, bên cạnh các nhóm ngân hàng, thép và gần đây nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đang có đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, dù trên đà tăng trưởng nhưng thị trường chứng khoán tuần vừa qua cũng bất ngờ xuất hiện phiên nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6-3. Phiên nghẽn lệnh này cũng ít nhiều có những tác động tới thị trường, tâm lý người đầu tư…
Thạc sĩ Nguyễn Doãn Đạt, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cao cấp Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích đối với tâm lý nhà đầu tư, khi thị trường tốt thì vấn đề nghẽn lệnh sẽ không tác động quá nhiều, nhưng khi thị trường có chuyển biến không tốt (thị trường bước vào nhịp điều chỉnh) thì nhiều nhà đầu tư có xu hướng muốn bán cổ phiếu. Tuy nhiên, khi phiên giao dịch nghẽn lệnh, nhà đầu tư đặt bán thì bán không được, muốn sửa, hủy lệnh cũng không được. Việc kéo dài tình trạng này sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư thêm hoang mang, dẫn tới áp lực bán lớn hơn; càng sợ thì càng đặt lệnh nhiều, càng đặt lệnh nhiều lại càng nghẽn. Do đó, trong ngắn hạn, tình trạng nghẽn lệnh cần phải được nhanh chóng xử lý một cách tối ưu nhất để không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tới gần với việc nâng hạng, nên việc để chậm, nghẽn lệnh tại các phiên giao dịch sẽ làm ảnh hưởng tới việc đánh giá của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài…
Về bối cảnh tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2024, ông Bùi Quốc Phong chia sẻ thêm, thị trường chứng khoán đã có nhiều thay đổi so với các năm trước, khi mà các cổ phiếu tăng trưởng theo nhóm ngành sẽ đi lên bền vững. Sự lựa chọn đầu tư cũng đòi hỏi kinh nghiệm, tích lũy nền tảng cơ bản tốt. Nhà đầu tư có thể chú ý đến các nhóm ngành mang tính chu kỳ để đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế như: nhóm ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép…