Nhiều cơ sở giáo dục đại học đứng ra bảo lãnh khoản vay và trả lãi giúp SV
Sinh viên một số trường đại học được hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng thông qua sự bảo lãnh của nhà trường.
Trong bối cảnh tự chủ, cơ sở giáo dục đại học bị cắt giảm ngân sách, do đó để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường buộc phải tăng học phí.
Học phí là chi phí đào tạo người học phải chi trả cho cơ sở giáo dục. Đây là việc chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học với cơ sở đào tạo. Song, học phí tăng cao đang là rào cản tiếp cận giáo dục đại học với nhiều người học, đặc biệt đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, để hỗ trợ người học, nhiều chương trình học bổng khuyến khích học tập, tiếp sức tân sinh viên, hỗ trợ miễn giảm học phí, đặc biệt các chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất dành cho sinh viên đang được nhiều trường đại học triển khai.
UEH: Hỗ trợ bảo lãnh vay 100% học phí
Gần 500 sinh viên tiếp cận nguồn vay tín dụng học tập lên đến 6 tỷ đồng. Đây là kết quả sau 7 năm triển khai chương trình tín dụng học tập tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội, từ năm 2016, UEH đã phối hợp cùng Ngân hàng OCB xây dựng chương trình cho vay học phí với mức vay lên đến 25 triệu đồng/sinh viên chính quy tập trung/học kỳ hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn kịp chi trả các chi phí học tập, giảm tải gánh nặng cho gia đình.
Trong 07 năm triển khai, UEH tiếp tục cập nhật xu hướng và đề xuất phương án hỗ trợ tài chính cho người học tốt nhất. Hiện nay, nhà trường đang triển khai hai hình thức hỗ trợ:
Chương trình Cho vay học phí (dành cho sinh viên đại học chính quy tập trung): Mức vay tối đa lên đến 45 triệu đồng, sinh viên có thể trả góp tối đa đến 6 tháng với mức lãi suất chỉ 8.8%. Năm 2023, UEH đưa ra chính sách hỗ trợ trả lãi suất tối đa 130 suất cho sinh viên đại học chính quy tham gia chương trình này.
Chương trình Trả góp học phí qua thẻ tín dụng của Ngân hàng (dành cho người học tất cả các bậc hệ): Hạn mức tín dụng được cấp từ 100-150% học phí và hỗ trợ trả góp học phí với lãi suất 0% thông qua hình thức phát hành thẻ tín dụng. Năm 2023, UEH hỗ trợ trả phí chuyển đổi lên đến 2.7% cho tối đa 130 sinh viên đại học chính quy tập trung.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn, đại diện UEH nhận định:
“Chương trình vay vốn để hỗ trợ học tập là rất cần thiết, đặc biệt đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Với mức lãi suất thấp, chính sách đóng góp rất lớn vào quá trình học tập của người học, đảm bảo hỗ trợ kịp thời giúp người học ổn định học tập, nghề nghiệp và tương lai”.
Nhà trường sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa sinh viên có nhu cầu và các ngân hàng cũng chưa có giới hạn mức ngân sách cụ thể. Tuy nhiên, sinh viên sẽ cân nhắc tài chính của gia đình nếu đã vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ không tham gia vay thêm Tín dụng học tập.
“Ngoài ra, chính sách học bổng của UEH và các đối tác cũng khá đa dạng, sinh viên UEH luôn cố gắng học tập tốt để săn thêm nguồn học bổng để hỗ trợ cho tài chính”, vị đại diện chia sẻ thêm.
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ sinh viên vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%
Sau hơn 15 năm hoạt động, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã nhận sự hỗ trợ tài trợ của hơn 200 cá nhân, tổ chức doanh nghiệp với tổng giá trị tài trợ bằng hiện kim là hơn 208 tỷ đồng và tài trợ hiện vật tương đương với hơn 128 tỷ đồng.
“Đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho người học là tôn chỉ hoạt động của Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Quỹ phát triển) luôn cố gắng không để khó khăn tài chính là rào cản học sinh, sinh viên trên con đường học tập và nghiên cứu”, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Được biết, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khó khăn hoặc có thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
Trong đó, một trong những hoạt động nổi bật là chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với lãi suất 0% dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay đóng học phí, được triển khai từ năm học 2020-2021.
Giám đốc Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với chương trình này, ngân hàng là đơn vị trực tiếp cho sinh viên vay; Quỹ phát triển sẽ bảo lãnh khoản vay và trả lãi suất cho sinh viên từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp; Quỹ phát triển cũng đóng vai trò cầu nối giữa sinh viên, các cơ sở đào tạo và ngân hàng để hỗ trợ sinh viên hoàn tất các thủ tục theo quy định của chương trình.
“Đến nay, sau 03 năm triển khai, tổng số sinh viên được xét đồng ý vay là gần 300 sinh viên. Chúng tôi nhận định, Chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập với lãi suất 0% đã hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn một cách thiết thực, giúp cho các em trang trải chi phí quan trọng trong quá trình học đại học – đó là học phí.
Đồng thời, chương trình cũng lan tỏa đến các em sinh viên thông điệp nhà trường, doanh nghiệp, và xã hội sẽ luôn đồng hành với các em trên bước đường học tập tại trường đại học”, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh đánh giá.
Ngoài hoạt động hộ trợ sinh viên vay ưu đãi học tập, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai thêm nhiều chương trình học bổng khác như Chương trình học bổng toàn phần dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chương trình học bổng vượt khó, học tốt; Chương trình học bổng thủ khoa đầu vào,...
"Để chương trình có thể tiếp sức cho thêm nhiều học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cần giúp đỡ, chúng tôi rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các ngân hàng và quý mạnh thường quân", Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh bày tỏ.
Hàng năm có gần 2000 sinh viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ sinh viên, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm nhà trường đều dành trên 40 tỷ đồng cấp học bổng và hỗ trợ sinh viên.
Năm 2023, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã dành khoảng 43 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ, sinh viên tham gia học tập, rèn luyện tại trường có cơ hội nhận được các chính sách hỗ trợ toàn diện từ học bổng; miễn giảm học phí; giới thiệu việc làm; cố vấn học tập; định hướng nghề nghiệp; tư vấn sức khỏe, tâm lý; giảng dạy kỹ năng mềm miễn phí…
Ngoài nguồn quỹ học bổng của trường, sinh viên còn được hỗ trợ thực hiện các thủ tục để vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của nhà nước.
“Hàng năm Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần 2000 sinh viên vay vốn ngân hàng đó. Về mặt thủ tục, hiện vẫn còn khá phức tạp, song nếu sinh viên chứng minh được là đang theo học và có điều kiện khó khăn đều được vay vốn để trang trải thêm kinh phí học tập”, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn thông tin.
Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các chính sách hỗ trợ sinh viên của nhà trường đã phần nào hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người học.
“Nhà trường có tiêu chí là không để sinh viên phải nghỉ học. Bằng chứng là năm 2021 số lượng sinh viên nghỉ học là 12 sinh viên/gần 15.000 sinh viên; năm 2022 số lượng sinh viên nghỉ học là 14 sinh viên/gần 15.000 sinh viên”, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn bày tỏ.
Nhằm hỗ trợ đa dạng hơn cho người học, đại diện Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, chính sách vay vốn sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội nên mở rộng hơn về đối tượng cho vay vốn để tất cả sinh viên có nhu cầu đều có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và tăng thêm thời gian hoàn trả tiền cho sinh viên nhằm tạo điều kiện tối đa cho người học. Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại cũng có thể tham gia vào việc cho sinh viên vay vốn.
Chính sách hỗ trợ vay vốn sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Đối tượng được vay vốn: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều kiện vay vốn: Sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay. Đối với sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Đối với sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
Mức tiền hỗ trợ vay vốn sinh viên: Tối đa là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định này.
Lãi suất hỗ trợ vay vốn sinh viên: 0,65%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời hạn trả nợ: Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên.