Nhiều cơ sở kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn cam kết 'không tăng giá'

Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Công Thương) và Cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).

Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Ảnh: QLTT

Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Ảnh: QLTT

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân hầu như không quan tâm đến vấn đề giá cả có được bán đúng giá hay không mà chỉ chen lấn để mua khẩu trang.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết, lực lượng QLTT đã vào tận kho để kiểm tra hàng hóa, niêm yết giá bán khẩu trang tại đây và yêu cầu cửa hàng bán đúng giá niêm yết nếu không sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời vận động và cùng các nhà thuốc bán cho khách hàng để tránh tình trạng hỗn loạn xảy ra.

Nhiều cơ sở kinh doanh ký cam kết không tăng giá. Ảnh: QLTT.

Nhiều cơ sở kinh doanh ký cam kết không tăng giá. Ảnh: QLTT.

Trước tình trạng thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bộ Y tế thông tin 3 người Việt đầu tiên dương tính với virus corona, chợ Thuốc Hapulico và nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế lúc nào cũng trong tình trạng quá tải người dân tới hỏi mua mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn tay - chân - miệng nhằm bảo vệ cho bản thân và gia đình. Lợi dụng tình trạng này, nhiều cửa hàng thuốc đã đẩy giá lên theo từng khung giờ. Mặt hàng khẩu trang trong các kho được mang ra và tiêu thụ một cách nhanh chóng. Thậm chí, nhiều người dân không cần quan tâm tới ngày sản xuất, miễn là chen lấn để mua cho gia đình được 1-2 hộp khẩu trang về sử dụng.

Sáng ngày 31/1, Tổng cục QLTT đã hỏa tốc chỉ đạo bằng Công văn số 149/TCQLTT-CNV yêu cầu tăng cường phòng chống dịch nCoV trong đó yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona; phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/nhieu-co-so-kinh-doanh-khau-trang-nuoc-sat-khuan-cam-ket-khong-tang-gia/386252.vgp