Nhiều địa phương gặp khó khăn khi điều chỉnh bảng giá đất

Luật đất đai 2024 cho phép các địa phương được áp dụng bảng giá đất hiện hành tới 1/1/2026, nhưng trong trường hợp cần thiết, cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế, tránh thất thu ngân sách. Tuy nhiên rất ít địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh.

Dự án đấu giá quyền sử dụng đất X1 tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, có tổng diện tích hơn 6.800 m², được chia làm 62 thửa đất. Hạ tầng đã được hoàn thiện từ cuối năm 2023.

Theo kế hoạch, dự án này sẽ được đấu giá trong năm 2024, nhưng nếu áp dụng theo bảng giá cũ thì 1m² tại đây chỉ ở mức gần 1,5 triệu đồng, trong khi thực tế giao dịch đang quanh mức 30 triệu đồng/m². Sự chênh lệch giá quá lớn khiến cho việc xác định giá khởi điểm gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, cho biết: “Theo quy định của Luật Đất đai 2024, bảng giá đất của thành phố được sử dụng để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay bảng giá đất của thành phố ở một số khu vực thấp hơn so với giá thị trường khoảng 20 - 50 triệu đồng. Như vậy, nếu sử dụng bảng giá đất của thành phố vào trong việc làm giá khởi điểm để đấu giá thì sẽ thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Điều này không phù hợp với nguyên tắc xác định giá khởi điểm phải phù hợp, sát với giá thị trường”.

Xác định giá khởi điểm khó khăn chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án tại Hà Nội, dù đã hoàn thiện hạ tầng và các thủ tục liên quan, đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa được đưa ra đấu giá. Những dự án này chủ yếu tập trung tại Đông Anh, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên. Điểm khó khăn chung là giá đất trong bảng giá hiện hành thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Bảng giá đất mới thì đang được xây dựng.

Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Hà Nội, cho biết: “Thành phố Hà Nội đang xây dựng lại bảng giá đất điều chỉnh, căn cứ vào Luật 2024, chúng tôi đang căn cứ vào nghị định 71 để xây dựng bảng giá đất mới. Hiện tại, nội dung này Sở TN&MT đang tiến hành theo luật”.

Đối với những địa phương chưa thực hiện điều chỉnh bảng giá từ năm 2021 đến 2024, đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi phải điều chỉnh giá đất đột biến để tiệm cận với giá trị thực. Việc này dễ dẫn đến sự phản ứng mạnh từ người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ tài chính tăng cao.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương không bị lúng túng trong việc định giá đất. Theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt: “UBND các huyện cũng phải mạnh dạn có những văn bản kiến nghị về tính bất cập khi chúng ta áp dụng hệ số K. Nếu như chúng ta vẫn không dám làm để đẩy giá khởi điểm phù hợp sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc như vừa rồi là trúng giá đất cao và bỏ cọc”.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng: “Theo tôi, chúng ta nên tạo ra những kênh để tiếp nhận những ý kiến đa chiều để xây dựng bảng giá đất tiệm cận thị trường. Thì bảng giá đất sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, giúp thị trường minh bạch và ổn định”.

Theo Bộ TN&MT, các địa phương cần chủ động rà soát và điều chỉnh bảng giá đất nếu cần thiết. Trong đó phải tuân thủ nguyên tắc đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tính từ ngày 1/8 đến nay, cả nước mới có 16 tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh.

Mỹ Lan

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhieu-dia-phuong-gap-kho-khan-khi-dieu-chinh-bang-gia-dat-272067.htm