Nhiều địa phương hụt thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm

Ngày 18/7, Hội nghị trực tuyến về sơ kết công tác thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm do Bộ Tài chính tổ chức đã cho thấy nhiều nguồn thu đều giảm. Cá biệt có nhiều địa phương thu dưới mức dự toán, thấp khoảng dưới 40%.

Đại diện cho đầu tàu kinh tế của cả nước, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khả năng thu NSNN trên địa bàn chỉ đạt khoảng 98% so với chỉ tiêu được giao. Lý do cốt lõi của vấn đề được đưa ra là do những khó khăn về diễn biến kinh tế đã làm ảnh hưởng tới đầu tư phát triển.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị: Trong năm tới Bộ Tài chính cân nhắc về chi tiêu để phù hợp với khả năng thực tế của thành phố, đồng thời, cũng cần có những chính sách hỗ trợ để người dân cũng như doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội cho biết, để đạt và tăng thu, thành phố đã phải đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thu, trong đó tích cực đưa ra các giải pháp để giảm nợ đọng như công khai danh tính của doanh nghiệp nợ thuế. Từ đó nợ đọng trên địa bàn đã giảm 4,4%.

Ông Nguyễn Văn Sửu cũng đưa ra kiến nghị, trong đó cần có chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, với những đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn cần có thêm hướng dẫn để tiếp tục thực hiện tự chủ.

 Phải bám sát dữ liệu quản lý thuế để có mức thu hợp lý

Phải bám sát dữ liệu quản lý thuế để có mức thu hợp lý

Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính tới hết tháng 6, về thu nội địa, theo thống kê, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý đến rủi ro trong việc hoàn thành kế hoạch thu của 2018 khi hết nửa năm mà vẫn có tới 20 địa phương có số thu dưới 50%, trong đó có cả Thành phố Hà Nội. Ngành tài chính phải tăng cường công tác quản lý thu hơn nữa, cùng với đó là chống thất thu NSNN, chống xói mòn cơ sở thuế, nhất là khu vực phi chính thức.

“Bộ Tài chính cần khắc phục tình trạng trung ương hụt thu mà địa phương lại vượt thu. Muốn vậy, phải bám sát hơn nữa dữ liệu quản lý thuế, rà soát để có mức thu hợp lý với dự toán của từng địa phương, tránh trình trạng hụt thu hoặc thu quá mức” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về chi NSNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính cần siết chặt lại chi tiêu, cần chi đúng mục tiêu, nhất là các khoản chi khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, công tác nước ngoài… Cần xử lý người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra sai phạm trong chi thường xuyên khi có thanh tra, kiểm toán kết luận. Bộ Tài chính cũng cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chủ động, kịp thời điều chỉnh các nguồn vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải đảm bảo bội chi và nợ công ở mức cho phép. Cần nghiên cứu các luật thuế, nhất là Thuế Tài sản, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam. Cùng với đó, một loạt các luật thuế khác cũng phải được thực hiện trên tinh thần đúng bản chất của các sắc thuế.

Đơn Thương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/nhieu-dia-phuong-hut-thu-ngan-sach-trong-6-thang-dau-nam-40552