Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi năm 2020 lãi lớn nhờ giá heo lập đỉnh
Giá heo hơi liên tục lập đỉnh vào năm 2020, nhiều doanh nghiệp nuôi heo hưởng lợi tưng bừng thu về thu hàng ngàn tỷ đồng.
Một số nhà sản xuất thịt heo có thể kể tới là Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), Masan MEATLife (MML), Chăn nuôi Mitraco (MLS),…
Xuất thân là đơn vị nhà nước từ năm 1996, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chính thức cổ phần hóa vào năm 2005. Từ đó đến nay, tập đoàn này đã phát triển được chuỗi giá trị từ sản xuất con giống đến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia công và chế biến thịt (chuỗi 3F), địa bàn chủ yếu ở miền Bắc
Mặc dù là một tập đoàn đa ngành, doanh thu của Dabaco vẫn chủ yếu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với riêng lĩnh vực chăn nuôi, công ty có nuôi gà và lợn, trong đó doanh thu từ lợn (giống và thịt) là chiếm 80%.
DBC cho biết, bên cạnh sự đóng góp của các lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống và chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm, kết quả năm 2020 còn ghi nhận sự đóng góp đáng kể từ một số dự án mới.
Trong đó phải kể đến lĩnh vực dầu thực vật, mặc dù mới đưa vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã đạt được kết quả ấn tượng, sản xuất và tiêu hết công suất, thị trường đang được tiếp tục mở rộng trên phạm vi cả nước và phát triển thêm các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.
Về con số cụ thể, DBC cho biết doanh thu thuần năm 2020 đạt 10.022 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần chỉ tiêu năm 2019.
Một đơn vị kinh doanh thịt lợn khác trên sàn chứng khoán là Masan MEATLife (MML). Giống với Dabaco, doanh thu của Masan MEATLife chủ yếu đến từ thức ăn chăn nuôi nhưng quy mô chăn nuôi và thịt lợn của doanh nghiệp hiện cũng khá lớn.
Thành lập năm 2011, Masan MEATLife khởi đầu trong mảng chăn nuôi từ năm 2016 khi thành lập trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An (MNS Farm Nghệ An). Đến 2018, nhà máy chế biến thịt Meat Hà Nam đi vào hoạt động.
Với khoảng 99% là doanh thu thức ăn chăn nuôi, MEATLife gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2016-2018 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc và dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Trong 9 tháng năm 2020, MML đạt doanh thu thuần 11.412 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, lãi sau thuế ở mức 293 tỷ đồng. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức 129 tỷ đồng.
Riêng trong quý 3, doanh thu thuần đạt 4.210 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhờ doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi tăng 368 tỷ đồng và mảng thịt đóng góp thêm 416 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 755 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp tăng từ 16,9% (cùng kỳ năm 2019) lên 17,9%.
Do doanh nghiệp tăng vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên chi phí tài chính tăng từ 89 tỷ đồng lên 122 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ở mức 243 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ
Lợi nhuận sau thuế của MML đạt 208 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, phần lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 142 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý của Masan MEATLife còn đến từ mảng thịt khi doanh nghiệp ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli cuối năm 2018. Ban lãnh đạo kỳ vọng phân phối MEATDeli tại hơn 4.000 điểm bán thịt trong năm nay nhờ việc tập đoàn Masan nhận sáp nhận chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+.
Dù xuất thân từ thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng có tham vọng lớn ở mảng nông nghiệp. Thông qua công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, tập đoàn đang kinh doanh các mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.
HPG vừa cho biết, lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2020, đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế.
Hòa Phát đã định hình vị thế hàng đầu sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm trong ngành.
Cụ thể, thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đã đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với gần 400.000 heo (gồm cả heo thịt và heo giống).
Với Chăn nuôi - Mitraco (MLS), công ty được thành lập vào năm 2004 và là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn có quy mô lớn của khu vực miền Trung. Công ty có 2 trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao tại Hà Tĩnh.
Hiện MLS chưa có báo cáo quý 4/2020 nhưng lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp chăn nuôi heo ghi nhận 307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 85%; lãi sau thuế 85 tỷ đồng, hơn gấp đôi vốn điều lệ (40 tỷ đồng).
Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) cũng lạc quan về kết quả kinh doanh trong năm nay khi ước tính sẽ ghi nhận gần 162 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 76 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch doanh thu và 165% kế hoạch lợi nhuận.
Ngoài ra một số đơn vị khác cũng có mảng nuôi lợn như Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC). Trên 90% doanh thu của VLC đến từ mảng sữa (sở hữu Mộc Châu Milk), trong khi tỷ trọng doanh thu chăn nuôi chỉ khoảng dưới 3%. Hiện VLC kinh doanh lợn giống thông qua 3 công ty chăn nuôi tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Quảng Nam.