Nhiều doanh nghiệp được 'nâng hạng' tuân thủ pháp luật hải quan

Với sự hỗ trợ tận tình của cơ quan hải quan, sau 2 năm tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, số lượng doanh nghiệp thành viên tăng mức độ tuân thủ ngày càng nhiều. Cũng vì thế, nhiều doanh nghiệp đang hăng hái muốn đăng ký tham gia.

 Các đơn vị hải quan tại địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ với doanh nghiệp tham gia Chương trình. Ảnh: Đỗ Quang.

Các đơn vị hải quan tại địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ với doanh nghiệp tham gia Chương trình. Ảnh: Đỗ Quang.

Kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc

Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/9/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Triển khai chương trình này, cơ quan hải quan đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên.

Theo đó, cơ quan hải quan đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã chủ động bố trí khu vực riêng có biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, phân công công chức có kinh nghiệm, trình độ để kiểm tra hàng hóa theo đúng quy định. Cùng với đó, cơ quan hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp thành viên trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Kết quả rõ nét nhất của những hoạt động này, chính là việc mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp thành viên được nâng lên.

Đơn cử tại Hải quan Đắk Lắk, ông Lương Khắc Minh - Trưởng phòng Nghiệp vụ cho biết, trong số 5 doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan tại Cục Hải quan Đắk Lắk, đã có 2 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ so với thời điểm ký kết biên bản ghi nhớ, 3 doanh nghiệp còn lại vẫn giữ nguyên mức độ tuân thủ so với thời điểm ký kết biên bản ghi nhớ.

Tại Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương chia sẻ, triển khai Chương trình, đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ với 23 doanh nghiệp. Đến nay, có 7 doanh ngiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3 (tuân thủ trung bình), mức 4 (tuân thủ thấp) lên mức 2 (tuân thủ cao) và mức 3, chiếm 30,4% tổng số doanh nghiệp tham gia; 12 doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ (mức 3) chiếm 52,2% tổng số doanh nghiệp tham gia. Nói cách khác, số doanh nghiệp được tăng và giữ nguyên mức độ tuân thủ đạt 82,6% tổng số doanh nghiệp tham gia.

Tương tự, ông Hoàng Quốc Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho hay, trong 2 năm qua, đơn vị đã ký biên bản ghi nhớ đối với 26 doanh nghiệp. Trong đó có 23/26 doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ và giữ nguyên mức độ tuân thủ, hài lòng với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan.

Đảm bảo hài hòa giữa năng lực quản lý và thực thi

Một thống kê tổng thể của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy rõ hiệu quả của Chương trình này. Cụ thể, cả 295 doanh nghiệp tham gia đều nhận thấy lợi ích thiết thực, đưa quan hệ giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy. Chương trình cũng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phòng tránh vi phạm pháp luật về hải quan.

Qua 2 năm triển khai thí điểm, đã có trên 80% doanh nghiệp thành viên tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức tuân thủ. Trong đó, có 118 doanh nghiệp, chiếm 40% trên tổng số doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3, 4 do không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của doanh nghiệp đã quá thời gian đánh giá (365 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt). 135 doanh nghiệp, chiếm 45% trên tổng số doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ, trong đó, doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 có 116 doanh nghiệp, chiếm 39,3%.

Tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên trong giai đoạn trước và sau khi tham gia Chương trình cũng có sự cải thiện. Số tờ khai luồng vàng, luồng đỏ giảm tương ứng 6,36% và 0,48%, trong khi tỷ lệ tờ khai luồng xanh tăng 6,84%. Đối với tờ khai xuất khẩu, tỷ lệ tờ khai luồng xanh tăng 13,56%; tờ khai luồng vàng giảm 12,88%; tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 0,68%.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, sau 2 năm triển khai, Chương trình đã góp phần đưa quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng thiết thực. Số lượng doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ, giữ nguyên mức độ tuân thủ đã thể hiện vai trò tạo thuận lợi của cơ quan hải quan.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đang đề nghị các đơn vị vụ, cục, các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục tham gia ý kiến xung quanh bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia; mở rộng đối tượng tham gia..., đảm bảo hài hòa giữa năng lực quản lý và thực thi. Song song đó, Cục Quản lý rủi ro hoàn thiện báo cáo tổng kết, trong đó, phân tích đánh giá kỹ kết quả thực hiện, chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp, đem lại hiệu quả quản lý hải quan để đề xuất triển khai chính thức, tuyên truyền đầy đủ đến từng đối tượng doanh nghiệp thấy rõ lợi ích mà Chương trình mang lại, qua đó tự nguyện tham gia chính thức Chương trình.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phân tích, đánh giá tổng thể và 15/10/2024, ban hành quyết định triển khai chính thức Chương trình.

Vẫn còn một số tồn tại trong triển khai thực hiện

Quá trình triển khai Chương trình, cơ quan hải quan địa phương vẫn còn gặp những khó khăn tồn tại như: Một số doanh nghiệp chưa chủ động trao đổi với cơ quan hải quan về các rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, các vấn đề phát sinh trong nội bộ của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đại lý làm thủ tục hải quan phản hồi chưa thấy được lợi ích khi tham gia chương trình. Hiện chưa có phần mềm kết nối, trao đổi thông tin giữa đầu mối phía doanh nghiệp và các cấp thực hiện chương trình tuân thủ của cơ quan hải quan nên việc trao đổi thông tin giữa hai bên còn một số hạn chế.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-doanh-nghiep-duoc-nang-hang-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-160251-160251.html