Nhiều doanh nghiệp nông, lâm nghiệp chậm trễ trong sắp xếp, đổi mới

Đến nay, cả nước vẫn còn 95/256 công ty nông, lâm ngiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Vụ Trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, giảm dần tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, khiếu nại về đất đai tại các công ty lâm nghiệp và các vấn đề xã hội phát sinh ở địa phương… Nhưng, việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, không bảo đảm tiến độ.

Hiện nay, toàn quốc có 35 đầu mối quản lý 169 công ty lâm nghiệp có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh. Đến tháng 9/2024 mới có 115/169 công ty lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới và vẫn còn 54 công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành.

Nguyên nhân là do một số tỉnh có chủ trương thay đổi phương án tổng thể chuyển từ cổ phần hóa sang công ty TNHH HTV trở lên như Quảng Ninh, Cà Mau, Yên Bái, Bình Thuận, Đắk Lắk cũng chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp theo phương án tổng thể được phê duyệt.

Tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành sắp xếp cả 8 công ty lâm nghiệp. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các công ty lâm nghiệp đề xuất mô hình sắp xếp, hoàn thiện lại đề án (văn bản số 1569/UBND-KTTC ngày 17/6/2024). Tuy nhiên đến nay, đề án vẫn chưa được phê duyệt, các công ty lâm nghiệp vẫn hoạt động theo mô hình cũ. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, ứng dụng khoa học và công nghệ không có thay đổi nhiều so với trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu quan điểm, các địa phương, đơn vị cần khẩn trương tổ chức thực hiện tốt những giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Để quản lý chặt chẽ đất đai, nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở xác định rõ diện tích các loại đất, mục đích sử dụng.

Ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc phê duyệt phương án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển. Cùng đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp trên cơ sở tham gia ý kiến chuyên môn của các cơ quan Trung ương, nâng cao sự chủ động của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, các đơn vị phải có phương án đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Từ đó, gắn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đặc biệt là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tinh gọn bộ máy.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Chỉ thị nhằm thể chế rõ hơn, cụ thể hơn các về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bổ sung các nội dung chuyển công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Đồng thời, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quy định cụ thể về tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty nông lâm nghiệp cổ phần hóa quản lý nhiều đất đai.

Thảo Lan

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/nhieu-doanh-nghiep-nong-lam-nghiep-cham-tre-trong-sap-xep-doi-moi-455185.html