Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước ngày càng chủ động xây dựng văn hóa thương hiệu đi kèm với các giá trị phát triển bền vững.

Trong buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hóa Doanh nghiệp” năm 2024, ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện tốt Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Bộ tiêu chí này do Hội đồng Quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn.

 Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VV)

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VV)

“Đây là Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia”, ông Tuấn nói.

Nói rõ hơn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho rằng: Bộ Tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” đã quy định rõ 5 tiêu chí bắt buộc.

Đó là không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và các loại bảo hiểm theo quy định; không lừa đảo, lợi dụng hoặc lạm hại các tổ chức, cá nhân khác và không vi phạm các quy định pháp luật khác.

Bên cạnh 5 tiêu chí đó, để được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” cần phải đáp ứng 33 chỉ tiêu khác nhau. Các tiêu chí đánh giá công tâm, thể hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam khẳng định: Văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Văn hóa doanh nghiệp bao gồm đạo đức: đạo đức của doanh nhân, đạo đức trong kinh doanh.

Ông Hợp cũng nêu quan điểm: Không có doanh nghiệp giàu thì không có đất nước giàu, không có doanh nghiệp chuẩn mực thì không có kinh tế phát triển lành mạnh. Do đó, cần hiểu, yêu thương và đồng hành cùng doanh nghiệp, vì làm doanh nghiệp là khó nhất.

“Tìm cách lấy văn hóa doanh nghiệp thế giới về với Việt Nam, vì họ có hàng trăm năm kinh doanh, bề dày truyền thống, nên kinh doanh rất đàng hoàng. Chứ ở Việt Nam, có doanh nghiệp vừa khởi nghiệp đã bị khởi tố”, Ông Hợp nhấn mạnh.

Theo ban tổ chức, Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp năm nay có 2 hoạt động chính.

Một là hội thảo với chủ đề “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa” để các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện xung quanh các vấn đề môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu, gồm nhận diện các yếu tố, đặc điểm của môi trường đa văn hóa.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ bàn về tác động của môi trường đa văn hóa đến phát triển kinh doanh; những rào cản của môi trường đa văn hóa đến hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa; giải pháp các doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai để khắc phục và phát huy tác động tích cực của môi trường đa văn hóa.

Đặc biệt, hội thảo cũng sẽ đưa ra các kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan ban ngành để phát triển văn hóa doanh nghiệp…

Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024 dự kiến diễn ra ngày 10/11, tại Hà Nội.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-doanh-nghiep-viet-nam-chu-trong-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-post302691.html