Nhiều dự án vay vốn nước ngoài chậm tiến độ

Một số công trình có sử dụng vốn vay từ nước ngoài, nằm trong dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh (Dự án BIIG2) trong thời gian vừa qua triển khai chậm tiến độ, buộc phải gia hạn, có nguy cơ không giải ngân kịp thời hạn.

Loạt dự án vay vốn ADB chậm tiến độ

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản đốc thúc các đơn vị gồm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban dân dụng); UBND các huyện Hương Khê và Kỳ Anh là chủ đầu tư và địa phương thực hiện các dự án liên quan đến nguồn vốn vay nước ngoài nhưng chậm triển khai, có nguy cơ bị thu hồi vốn.

Theo báo cáo của Ban Dân dụng tỉnh, đến nay tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB các Tiểu dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH90 (HL5 cũ), huyện Hương Khê và nâng cấp tuyến đường Sơn Thượng (ĐH.145), huyện Kỳ Anh thuộc Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị (BIIG2) vẫn chưa hoàn thành, khối lượng công việc còn nhiều, có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được giao, việc này dẫn đến làm chậm tiến độ thi công công trình và kế hoạch giải ngân của dự án. Đây là 2 dự án sử dụng vốn dư từ dự án BIIG2 trên địa bàn Hà Tĩnh, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho sử dụng vốn để đầu tư vào ngày 13/9/2023.

Để dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh thuộc Dự án BIIG2 hoàn thành và kết thúc giải ngân đúng thời hạn được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc Ban Dân dụng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện Hương Khê và Kỳ Anh chủ động bố trí kinh phí đối ứng theo quy định cho công tác bồi thường, GPMB 2 tiểu dự án nói trên. Đồng thời, UBND huyện Hương Khê hoàn thành dứt điểm công tác GPMB hành lang lưới điện thuộc Tiểu dự án Hạ tầng phục vụ phát triển vùng trồng cây ăn quả xã Lộc Yên, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong tháng 9/2024.

Trường hợp để chậm tiến độ, không hoàn thành dự án theo yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện Hương Khê, Kỳ Anh và Giám đốc Ban Dân dụng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hệ lụy liên quan nếu có (bị thu hồi vốn, giải ngân chậm) trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Hai dự án nói trên chỉ là một trong số các tiểu dự án nằm trong hệ thống dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh thuộc Dự án BIIG2, được triển khai trong thời gian qua nhưng không đáp ứng tiến độ đề ra theo cam kết. Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản phê bình UBND huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh vì đã chậm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB các dự án có vốn vay nước ngoài, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ hoàn thành dự án BIIG2, hiệu quả đầu tư và có nguy cơ bị thu hồi vốn nếu không giải ngân kịp thời hạn. Theo đó, tại huyện Lộc Hà, dự án nước sạch cho các xã thuộc huyện Can Lộc – Lộc Hà có vốn đầu tư hơn 215 tỷ đồng, do Ban Dân dụng làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 20/12/2020 đến 20/6/2022.

Tuy nhiên, gói thầu HT01.2 xây dựng nhà máy xử lý tại hồ chứa nước Cu Lây và mạng lưới 2 cung cấp nước sạch cho 6 xã thuộc 2 huyện Can Lộc và Lộc Hà, đến nay đang vướng mặt bằng, dự án chỉ mới vận hành thử nghiệm nhà máy nước. Tương tự, dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (đoạn từ quốc lộ 8A đến đường Tiên Sơn) có chiều dài gần 3km, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công từ tháng 12/2022, do Công ty TNHH Như Nam thi công. Đến nay, so với tiến độ dự án cũng đang chậm, trong đó vướng mắc khâu đền bù, GPMB và đã phải gia hạn tiến độ. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư, tiến độ thi công, hiệu quả của dự án, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và uy tín của tỉnh đối với các nhà tài trợ nước ngoài.

Quá thời hạn hơn 16 tháng, Nhà máy Nước sạch Cu Lây vẫn chưa thể bàn giao, đưa vào hoạt động.

Quá thời hạn hơn 16 tháng, Nhà máy Nước sạch Cu Lây vẫn chưa thể bàn giao, đưa vào hoạt động.

Hà Tĩnh liên tục thúc tiến độ các dự án

Được biết, dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, với tổng mức đầu tư 61,77 triệu USD, tương đương gần 1.378.582.860 đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến ngày 30/9/2025. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu tư các công trình tại các địa phương gồm huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê, Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh.

Trong đó, hợp phần 1 (hạ tầng kết nối giao thông) xây dựng và nâng cấp khoảng 65km đường giao thông từ cấp 5 đến cấp 3 và các công trình phụ trợ trong và ngoài đô thị; hợp phần 2 (hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh) xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất tập trung nhằm tăng hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh, bao gồm xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt cho 9 xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc; xây dựng, nâng cấp hạ tầng nội khu phục vụ phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản huyện Lộc Hà, Thạch Hà và hạ tầng tiểu khu phục vụ phát triển vùng trồng cây ăn quả huyện Hương Khê và Hợp phần 3 (phân quyền thực hiện quy trình quản lý tài sản công), bao gồm các hoạt động hệ thống lập kế hoạch cho đầu tư hạ tầng được cải thiện; xây dựng chiến lược thu hồi vốn đầu tư và phân bổ tài chính cho công tác vận hành, bảo dưỡng; xây dựng hệ thống, quy trình để duy trì công tác kiểm kê hiện trạng hạ tầng và dự toán.

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai hợp phần 1 và 2, với 11 tiểu dự có tổng giá trị hợp đồng 912,839 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 827,936 tỷ đồng. Một số gói thầu đã bàn giao, đưa vào sử dụng là đường liên xã Kỳ Đồng - Kỳ Trung (Kỳ Anh); hạ tầng phát triển vùng cây ăn quả xã Lộc Yên (Hương Khê); hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Thạch Long, Mai Phụ và Hộ Độ (Lộc Hà); đường liên xã Sơn Lễ - Sơn An - Sơn Tiến (Hương Sơn) và đường bao phía Tây Trường THCS Lê Văn Thiêm, TP Hà Tĩnh. Một số gói thầu chưa hoàn thiện, đang vướng mắc và chưa đạt tiến độ đề ra gồm gói thầu nước sạch cho các xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc; huyện lộ 6 huyện Hương Khê; nâng cấp tuyến đường An Viên Mỹ Thành, huyện Nghi Xuân; tiểu dự án đường trục chính trung tâm thị xã Hồng Lĩnh (giai đoạn 1)...

Ngày 13/9/2023, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về việc sử dụng vốn dư của dự án để đầu tư 2 tiểu dự án nâng cấp tuyến đường huyện Sơn - Thượng (ĐH145) huyện Kỳ Anh và nâng cấp tuyến đường huyện ĐH.90 huyện Hương Khê. Đồng thời, kéo dài thời gian bố trí vốn dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị” - dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh. Vào ngày 7/11/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét và thực hiện các thủ tục điều chỉnh, gia hạn Hiệp định vay đối với các hợp đồng đã ký kết đến ngày 30/9/2025 (gia hạn thêm 24 tháng so với thời gian được ký kết).

Trước đó, dự án đã được HĐND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tại Nghị quyết số 130/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 và UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tại Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 20/10/2023. UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, “việc gia hạn Hiệp định vay không tác động tới phương án trả nợ của tỉnh, qua đó không có tác động tới trần dư nợ và hạn mức theo quy định”.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhieu-du-an-vay-von-nuoc-ngoai-cham-tien-do-i746951/