Nhiều dư địa xuất khẩu hàng tiêu chuẩn Halal sang thị trường Indonesia

Theo ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, doanh nghiệp nên chủ động xin chứng nhận Halal, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI; tham gia thị trường thương mại điện tử...

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Halal bên lề Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN. (Ảnh: Xuân Anh - TTXVN)

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Halal bên lề Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN. (Ảnh: Xuân Anh - TTXVN)

Chiều 3/11, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu-Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu chuẩn Halal sang thị trường Indonesia."

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho hay Indonesia là nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và cao, năm 2022 đạt 5,31%. Đặc biệt, đây cũng là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, 60% số dân trong độ tuổi lao động, nhu cầu tiêu dùng lớn là thị trường xuất khẩu hàng hóa tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia đạt 10,18 tỷ USD, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng là vẫn là tín hiệu tốt trong bối cảnh thị trường hai nước đều gặp khó khăn.

Theo ông Phạm Thế Cường, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Indonesia bởi đây là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Hơn nữa, quốc gia này cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa gần gũi nên hàng hóa Việt Nam dễ được chấp nhận hơn; khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt.

Không những thế, Việt Nam và Indonesia cùng thuộc ASEAN, được hưởng ưu đãi thuế quan nội khối và các Hiệp định Thương mại Tự do với các nước nên có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động giao thương. Đặc biệt, hàng Việt Nam ngày một được ưa chuộng tại Indonesia, đặc biệt có lợi thế so sánh với nhóm hàng nông, thủy sản trên thị trường này.

Ông Phạm Thế Cường cho rằng còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Halal của Indonesia khi trên 87% dân số của đất nước này theo đạo Hồi. Tuy nhiên, điểm khó là doanh nghiệp trong nước chưa hiểu cặn kẽ và chưa mạnh dạn đầu tư để đạt chứng nhận Halal.

Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động xin chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI; tham gia thị trường thương mại điện tử Indonesia; tận dụng kênh Việt kiều và doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia.

Trường hợp cơ quan chức năng nước sở tại khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam để có giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Ông Phạm Thế Cường cũng lưu ý doanh nghiệp tỉnh táo trước các hiện trạng lừa đảo, tranh chấp thương mại, trong đó doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy đối tác đàm phán giá cả, hợp đồng một cách nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau.

Ngoài ra, doanh nghiệp tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân; điều khoản hợp đồng cần chẽ, đặc biệt phải có điều khoản xử lý tranh chấp, khiếu nại.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Thái Thanh Long, CEO RT Indonesia Teknologi Baru, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Indonesia, nhấn mạnh mặc dù có nhiều thách thức nhưng sản phẩm Việt Nam ngày một được ưa chuộng tại Indonesia, hệ thống giao thông phát triển hơn nên thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.

Ông Thái Thanh Long cho rằng bước đầu thâm nhập vào thị trường Indonesia, doanh nghiệp nên tập trung vào thành phố Jakarta và một số tỉnh xung quanh do đây là nơi tập trung phần lớn dân số, nhu cầu tiêu dùng cao.

Tương tự, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Consultech cũng nhận định Việt Nam có nhiều thuận lợi khi thâm nhập thị trường Halal Indonesia khi đã xuất khẩu nông sản sơ chế và sau chế biến, thủy sản, gia vị sang nước sở tại; có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo. Việt Nam cũng đã có cộng đồng Hồi giáo tập trung ở An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Mặc dù Chính phủ đã quan tâm và có chính sách thiết thực phát triển ngành công nghiệp Halal nhưng hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal - con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thị trường. Có đến 40% địa phương của Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này, do vậy, dư địa còn rất lớn và tiềm năng.

Theo ông Lê Châu Hải Vũ, giấy chứng nhận Halal tại Indonesia được coi như giấy thông hành vào thị trường này. Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Halal Indonesia, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, xây dựng hệ thống và đăng ký chứng nhận Halal cho thị trường phù hợp định hướng phát triển; xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn Halal cho thị trường đích; quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, tăng cường kết nối giao thương./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-du-dia-xuat-khau-hang-tieu-chuan-halal-sang-thi-truong-indonesia/905901.vnp