Nhiều giải pháp đồng bộ bảo vệ động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) có ý nghĩa và lợi ích quan trọng trong cuộc sống của con người như: là nguồn gien quý, nguồn dược liệu để chế biến thuốc chữa bệnh… Nguồn tài nguyên quý này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nạn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép làm suy giảm nhanh chóng quần thể... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Động vật hoang dã (ĐVHD) có ý nghĩa và lợi ích quan trọng trong cuộc sống của con người như: là nguồn gien quý, nguồn dược liệu để chế biến thuốc chữa bệnh… Nguồn tài nguyên quý này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nạn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép làm suy giảm nhanh chóng quần thể các loài động vật, đẩy nhiều loài quý hiếm của Việt Nam đến nguy cấp đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT), chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật chung tay bảo vệ ĐVHD.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT) kiểm tra cơ sở nuôi gấu ngựa tại xã Hải Xuân (Hải Hậu).

Tỉnh ta có hệ sinh thái ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng là nơi lưu trú của nhiều loài ĐVHD như các loài chim nước, chim di trú và động vật rừng thông thường. Trên địa bàn còn có 16 cơ sở gây nuôi động vật rừng quý hiếm, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế quy định và động vật rừng thông thường với tổng số khoảng 4.500 cá thể phân bổ ở hầu hết các huyện, thành phố. Trong đó chủ yếu là các loài cầy hương, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, trăn đất, rùa câm, hươu sao… Để bảo vệ ĐVHD, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức rà soát, có phương án quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, các hoạt động chế biến, kinh doanh ĐVHD; hướng dẫn các cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn chuồng trại, phương án phòng chống dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường trong quá trình gây nuôi ĐVHD. Đồng thời yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo nguồn gốc động vật hợp pháp và tổ chức ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật không có nguồn gốc hợp pháp. Đối với ĐVHD ngoài tự nhiên, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học. Kiểm soát các hành vi khai thác, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD. Trong năm 2020, Chi cục đã tổ chức tập huấn, phát 3.000 tờ rơi có nội dung bảo vệ ĐVHD cho người dân sinh sống quanh khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). Cùng với công tác tuyên truyền, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố vận động người dân tái thả một số ĐVHD về lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc bàn giao cho các khu bảo tồn. Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD; đặc biệt tập trung triệt phá các đường dây tội phạm trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu… trái phép mẫu vật ĐVHD; vận động người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo ĐVHD trái pháp luật; nghiêm cấm việc nuôi ĐVHD có nguồn gốc không hợp pháp; không để hình thành các tụ điểm, các chợ kinh doanh ĐVHD trái phép. Quá trình phối hợp đấu tranh đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; trong đó nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ ĐVHD được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Trong năm 2021, lực lượng Kiểm lâm đã xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở gây nuôi ĐVHD nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Đồng thời phát hiện, xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo, kinh doanh động vật rừng (rùa) trái quy định trên mạng xã hội; phát hiện xử lý đối tượng Phạm Văn Chuyên, ở xã Giao Lạc (Giao Thủy) có hành vi săn bắn 3 cá thể Cò bợ tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy, thu giữ toàn bộ tang vật và phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân đã được nâng lên; tự nguyện giao nộp ĐVHD đang nuôi nhốt tại gia đình và bắt được ngoài tự nhiên cho lực lượng chức năng. Việc gây nuôi ĐVHD đã được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở chăn nuôi ĐVHD đã được cấp mã số theo quy định. Trong năm 2020, lực lượng Kiểm lâm đã vận động thành công hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Châu, xã Hải Xuân (Hải Hậu) tự nguyện giao nộp 3 cá thể gấu ngựa cho Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam nuôi dưỡng. 5 tháng đầu năm 2021, lực lượng Kiểm lâm đã hoàn thiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với 7 cá thể ĐVHD gồm 3 con mèo rừng, 1 con khỉ đuôi lợn, 2 con khỉ vàng và 1 con khỉ đuôi dài do người dân tự nguyện giao nộp cho đơn vị để chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ ĐVHD chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) sau khi bàn giao 3 cá thể mèo rừng để bảo tồn cho biết: Được cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật về bảo tồn ĐVHD nên ngay khi phát hiện 3 cá thể mèo rừng trong trang trại của gia đình, tôi đã báo cơ quan chức năng kịp thời cứu hộ đưa về Trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng ĐVHD Rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).

Bảo vệ ĐVHD, nhất là những động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, đang trở nên vô cùng cấp thiết để bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để bảo vệ các loại ĐVHD, nhất là các loại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập khẩu, săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, nuôi nhốt, quảng cáo, xâm hại động vật nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, làm tốt công tác phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD; nhất là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức trong việc mua bán, tàng trữ, giết mổ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài ĐVHD. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế có khả năng săn bắn ĐVHD. Kiên trì vận động người dân tự nguyện giao nộp ĐVHD đang nuôi giữ cho cơ quan chức năng chăm sóc, bảo tồn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202105/nhieu-giai-phap-dong-bo-bao-ve-dong-vat-hoang-da-2544118/