Nhiều giải pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại Phú Thọ
Khẩn trương điều tra, quyết liệt truy vết, xét nghiệm nhanh chóng, khoanh vùng hợp lý, đó là nhưng biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đang được triển khai tại tỉnh Phú Thọ.
Sàng lọc nhanh trong cộng đồng
Sau thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại ở Phú Thọ với số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao và chưa xác định được nguồn lây. Nguy hiểm hơn là dịch bệnh đã xâm nhập vào bệnh viện, trường học và khu công nghiệp.
Quan điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Thọ là căn cứ tình hình thực tế để khoanh vùng hợp lý; thần tốc điều tra, truy vết, đẩy nhanh xét nghiệm để sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Tính từ ngày 14/10 đến 6 giờ ngày 21/10, Phú Thọ ghi nhận 195 ca nhiễm SARS-CoV-2, thành phố Việt Trì có nặng dịch nhất với 141 ca tại 13 xã phường; Lâm Thao có 33 ca tại 8 xã, thị trấn; Phù Ninh có 18 ca tại 4 xã, thị trấn; thị xã Phú Thọ có 2 ca; Tam Nông có 1 ca. Toàn tỉnh hiện có 1.500 trường hợp F1, 5.479 trường hợp, 5.441 trường hợp F3 đang được quản lý theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, trước mắt để hạn chế lây lan, sớm phát hiện ca mắc mới, tỉnh ưu tiên phân bổ các bộ kit xét nghiệm nhanh cho 4 địa bàn có các chùm lây nhiễm là thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và Phù Ninh; tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị và người dân ở thành phố Việt Trì và xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp có nguy cơ cao như Thụy Vân, Bạch Hạc, Tử Đà…
Đến nay, 100% người dân tại khu vực phong tỏa đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc test nhanh. Tỉnh đã tổ chức khoanh vùng, phong tỏa tạm thời đối với 30 khu vực với 3.588 hộ gồm 13.291 người; 71 chốt kiểm soát đang hoạt động. Đồng thời, tỉnh nhanh chóng đánh giá chính xác cấp độ dịch đối với các vùng trong tỉnh theo đúng quy định của Chính phủ, theo đó, toàn tỉnh Phú Thọ đang ở cấp độ 2; thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và Phù Ninh ở cấp độ 2; các huyện còn lại cấp độ 1.
Với việc xác định cấp độ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các các địa phương, đơn vị chức năng bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, không phong tỏa rộng mà chỉ phong tỏa khu dân cư, khu vực hẹp, cách ly y tế các đối tượng phù hợp để giảm khu vực phải cách ly.
Ông Bùi Văn Quang cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại thành phố Việt Trì; xây dựng kế hoạch cung ứng, lưu thông hàng hóa với các địa phương; lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tỉnh ưu tiên phân bổ vaccine cho thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh, khi có vaccine khẩn trương tiêm phủ toàn bộ dân số trong độ tuổi tiêm chủng tại các địa phương đang có nguy cơ cao.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Thọ, trong một vài ngày tới, số ca mắc COVID-19 có thể sẽ tăng lên, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp người dân ra, vào tỉnh theo quy định; quản lý chặt chẽ các khu vực phong tỏa để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Với các trường hợp F1, F2 có đủ điều kiện, ngành y tế hướng dẫn người dân cách ly y tế tại nhà, những trường hợp không đủ điều kiện thì sẽ chuyển về bệnh viện dã chiến của tỉnh, huyện.
Kiểm soát chặt các khu, cụm công nghiệp
Cùng với nỗ lực của địa phương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí Đúc Việt Nam (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì). cho biết, công ty có hơn 60 cán bộ, công nhân và người lao động. Khi thông tin có công nhân trong Khu công nghiệp Thụy Vân dương tính với SARS-CoV-2, lãnh đạo công ty không vì thế mà hoảng loạn, bởi công tác phòng, chống dịch trước đó đã được thực hiện nghiêm theo quy định của khu công nghiệp và các cơ quan quản lý cấp trên.
Hiện tại, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch. Tại thời điểm này, công ty khuyến cáo công nhân, người lao động, khi hết giờ lao động trở về nhà thì hạn chế tiếp xúc với người ngoài và thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Bà Lưu Thị Thanh Tâm (Phòng Quan hệ lao động thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn YI DA Việt Nam có 100% vốn nước ngoài, đóng trên địa bàn huyện Cẩm Khê) cho biết, doanh nghiệp đang có gần 4.600 công nhân may mặc, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hằng ngày công ty đều đo thân nhiệt 3 lần cho mỗi công nhân, người lao động. Trước cửa các xưởng đều có nước sát khuẩn và khi kết thúc ca làm việc thì khẩu trang của công nhân được thu gom theo đúng quy định. Công ty chia ca lao động hợp lý, đảm bảo khoảng cách.
Tại nhà ăn của công nhân, công ty cho lắp hệ thống vách ngăn, bữa ăn cũng được chia ra làm nhiều đợt để bảo đảm khoảng cách theo khuyến cáo. Công ty tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà xưởng hai lần mỗi tuần… đồng thời thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời với sức chứa 30 người, bảo đảm khoảng cách.
Tại Khu công nghiệp Phú Hà, nơi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, tập trung hơn 14.500 công nhân. Các chủ doanh nghiệp nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tình hình dịch bệnh nên đặc biệt coi trọng việc phòng, chống dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp đã có phương án chia công nhân ra làm nhiều ca khác nhau, tránh tập trung đông người vào cùng thời điểm. 100% doanh nghiệp đều tự tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ, khử khuẩn xe ra vào công ty, tổ chức phòng ăn tập thể trong công ty, chia ra làm nhiều ca, lắp đặt vách ngăn tại phòng ăn…
Tính đến thời điểm hiện tại, gần 100% công nhân, người lao động (trừ những trường hợp không đủ điều kiện về sức khỏe, bệnh lý hoặc đang mang thai) đã được tiêm phòng vaccine mũi 1 và trong 2 ngày vừa qua đã được lấy mẫu test nhanh. Một số trường hợp là F2, F3 được chủ lao động cho ở nhà để theo dõi sức khỏe.
Theo ông Đỗ Văn Hanh, Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, hiện nay dịch COVID-19 đang có nguy cơ cao tại Khu công nghiệp Thụy Vân và các cụm công nghiệp Bạch Hạc, Đồng Lạng, Tử Đà - An Đạo. Ban quản lý đang tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng tổ chức xét nghiệm bắt buộc cho toàn bộ công nhân, người lao động; đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đến người lao động trong doanh nghiệp biết; rà soát, yêu cầu những những trường hợp người lao động đang xác định là F1, F2 khẩn trương liên hệ với trạm y tế; thực hiện nghiêm việc xét nghiệm định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Ban quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp dệt may và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác sử dụng nhiều lao động thực hiện nghiêm việc giãn ca, chia ca để đảm bảo khoảng cách phòng dịch. Công nhân, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp được yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh.
Chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, cho biết, để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra, ngành đã chuẩn bị 2 cơ sở cách ly y tê cấp tỉnh tại Cơ sở cách ly tập trung số 02 - Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê) với quy mô 480 giường và cơ sở cách ly tập trung quy mô 500 giường tại xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao). Đồng thời, Sở Y tế điều động 239 cán bộ y tế và điều chuyển đủ vaccine để hỗ trợ huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm từ 1,5 đến 1,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (trước mắt từ 0,5 đến 1 triệu liều) để tiêm phòng, ổn định tình hình dịch. Đồng thời, Sở Y tế cũng tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR của các đơn vị, phấn đấu năng lực xét nghiệm tối thiểu đạt 8.000 mẫu đơn/ngày, gấp 1,5 lần công suất hiện tại.
Phú Thọ quyết tâm không để dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan trong cơ sở y tế; rà soát lại các phương án, kịch bản đáp ứng khi có tình huống ca bệnh được phát hiện trong cơ sở y tế; đảm bảo 100% cơ sở phải tổ chức diễn tập tình huống hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “Bệnh viện tách đôi”, vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa điều trị người mắc COVID-19.
Ngành y tế sẵn sàng phương án huy động tối đa nhân lực để triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất sau khi được Bộ Y tế phân bổ; bảo đảm tốt thường trực cấp cứu, thường trực khám chữa bệnh, phòng, chống dịch tại đơn vị, trên địa bàn; sẵn sàng lên đường chi viện cho đơn vị, địa phương khác. Đồng thời, ngành y tế rà soát, mua sắm bổ sung, dự trữ thuốc, máu, dịch truyền, oxy y tế, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong mọi tình huống…