Nhiều giải pháp thực hiện tốt chủ đề năm học 2022 – 2023

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị có 367 trường mầm non và phổ thông công lập, trong đó mầm non 147 trường, tiểu học 68 trường, THCS 42 trường, tiểu học và THCS 80 trường, THCS và THPT 6 trường, THPT 24 trường với hơn 171.000 học sinh. Có 11.364 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập.

 Một tiết học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: TV

Một tiết học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: TV

Ngày 21/10/2022, Sở GD&ĐT ban hành Hướng dẫn số 2227 về thực hiện chủ đề năm học: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT” với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, đối với GD mầm non, ngành và các địa phương chủ động, linh hoạt trong công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ cũng như củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi.

Ngành GD&ĐT tham mưu lãnh đạo các cấp tuyển dụng giáo viên, hợp đồng nhân viên và tách lớp ghép 2, 3 độ tuổi, giảm số trẻ/nhóm, lớp ở vùng thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GD mầm non và chất lượng chăm sóc GD trẻ. Quan tâm hỗ trợ thực hiện Chương trình GD mầm non đối với các cơ sở GD mầm non vùng khó khăn; triển khai hiệu quả kế hoạch giai đoạn 2 về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025”.

Mặt khác, Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học và Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Chú trọng đổi mới phương pháp cũng như hình thức tổ chức hoạt động GD cho trẻ; quan tâm nhu cầu, khả năng và hứng thú của trẻ để có biện pháp tác động phù hợp với từng cá nhân nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GD mầm non. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Xây dựng và khai thác hiệu quả kho tài liệu, học liệu, video trực tuyến dùng chung để hỗ trợ thực hiện Chương trình GD mầm non đối với bậc học này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Đối với GD tiểu học, các đơn vị trường học tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD&ĐT; chủ động, linh hoạt trong bố trí, sắp xếp mạng lưới trường, điểm trường, lớp học hợp lý; có phương án tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; dạy học môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc theo Chương trình GD phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023. Tăng cường chỉ đạo xây dựng kế hoạch GD của nhà trường theo công văn số 2345 ngày 7/6/2021 của Bộ GD&ĐT, đồng thời củng cố, bổ sung những nội dung có liên quan ở lớp học dưới, những kiến thức, kỹ năng còn hạn chế do thực hiện tinh giản nội dung dạy học, học sinh không được đến trường vì ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động GD chủ đề/chủ điểm, GD kỹ năng sống để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cũng như quan tâm theo dõi, kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo yêu cầu chương trình GD của lớp học. Chú trọng phát huy vai trò của tổ chuyên môn, hội đồng bộ môn văn hóa các cấp và nâng cao nhận thức cho giáo viên, cán bộ quản lý về công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tự học, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực vận dụng, thực hành phương pháp dạy học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, “năng lực số” đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Làm tốt công tác phối hợp, hỗ trợ và sự tham gia của xã hội vào hoạt động GD của nhà trường; phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đối với GD trung học và GD thường xuyên, đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ngành học, nhiệm vụ chuyên môn năm học 2022 - 2023. Đồng thời gắn chất lượng GD với trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên và người đứng đầu đơn vị. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi giáo viên chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc soạn giảng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; công tâm, khách quan, khoa học trong kiểm tra, đánh giá; gắn trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động dạy học và các hoạt động GD khác nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Đa dạng hóa hình thức dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học và hoạt động GD kỹ năng sống cho học sinh. Tích cực hướng dẫn học sinh cách học, cách tư duy; khuyến khích tự học, tạo điều kiện để người học tự cập nhật tri thức, kỹ năng và phát triển năng lực. Xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cụ thể, tăng cường phụ đạo, bổ khuyết kiến thức cho học sinh trong năm học trước phải nghỉ học hoặc học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình ở trường chất lượng GD còn thấp.

Giáo viên bộ môn trong quá trình dạy học và sau mỗi bài kiểm tra, đánh giá có thông tin phản hồi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh để giữ liên hệ hai chiều: nhà trường - gia đình cùng phối hợp GD, động viên, giúp đỡ học sinh tiến bộ. Tăng cường hoạt động dự giờ, thăm lớp theo hướng đi sâu vào thực chất để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn dạy học.

Các cơ sở GD tăng cường tổ chức diễn đàn sinh hoạt chuyên môn trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT; phấn đấu nâng tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn năm trước, giảm tối thiểu tỉ lệ học sinh bị điểm yếu kém trong thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT. Cuối học kỳ, cuối năm học, nhà trường tổ chức tự đánh giá chất lượng GD của đơn vị, phân tích, đánh giá chất lượng của từng môn học, chỉ ra mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong nhà trường để thực hiện tốt chủ đề năm học.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171723&title=nhieu-giai-phap-thuc-hien-tot-chu-de-nam-hoc-2022-%E2%80%93-2023