Nhiều hoạt động thú vị tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Tiếp nối thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo các năm 2021, 2022, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề 'Dòng chảy' sẽ chính thức diễn ra từ ngày 17 đến 26/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố. Sự kiện nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới hình thành Trung tâm thiết kế sáng tạo, trung tâm biểu diễn nghệ thuật... phát triển ngành công nghiệp văn hóa dọc hai bên bờ sông Hồng.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo.

Đây là một trong những hoạt động thường niên ấn tượng, hấp dẫn nhất, thể hiện cam kết của Thành phố Hà Nội là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế được UNESCO công nhận.

Lễ hội do UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng chủ trì, tổ chức. Các đơn vị đồng hành gồm Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội; Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; UBND các quận của Hà Nội gồm: Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hàng trăm nhà sáng tạo, nghệ sỹ... phối hợp thực hiện.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế; cộng đồng và sáng tạo, được thể hiện đa dạng qua hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo - tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo.

Nội dung các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo dọc hai bên bờ sông Hồng, với sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sỹ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sỹ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và thực hiện chương trình.

Điểm nhấn thú vị của tuyến Lễ hội đó là lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị như “đánh thức” di sản.

Công trình Bốt nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên.., đã được các kiến trúc sư, nghệ sỹ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc; đặt tiền đề biến những Di sản công nghiệp trở thành những các không gian sáng tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, chuyến tàu “Hành trình di sản” khởi hành từ ga Hà Nội - ga Long Biên - ga Gia Lâm đi qua cây cầu Long Biên lịch sử sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ nhất mà Lễ hội muốn dành tặng cho người dân tham gia.

Điểm mới của Lễ hội với trải nghiệm “đánh thức” các di sản và biểu tượng kiến trúc Hà Nội.

Điểm mới của Lễ hội với trải nghiệm “đánh thức” các di sản và biểu tượng kiến trúc Hà Nội.

Bên cạnh tuyến tổ chức chính từ Bốt nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm, bảo tàng Hà Nội…, Lễ hội được thực hiện trên diện rộng các quận huyện dọc hai bên bờ sông Hồng như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Mê Linh, Phú Xuyên, Gia Lâm… Đây chính là những nét mới cho thấy một tinh thần sáng tạo đã lan tỏa tới đông đảo người dân.

Hưởng ứng cùng Lễ hội trong việc tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể, liên hoan Nghi lễ và trò chơi kéo co 2023 bao gồm một chuỗi sự kiện được tổ chức đồng thời từ ngày 17 đến 18/11/2023, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin.

Tại Lễ hội, các phân xưởng Nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành một không gian triển lãm với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ cùng các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhóm nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế… Đồng thời, người dân sẽ được chiêm ngưỡng đầu tàu máy đầu tiên của ngành Đường sắt Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh đó.

Bên cạnh đó, không gian kiến trúc Pavilion bến chờ là một thiết kế sân khấu tương tác ngoài trời của các nghệ sỹ và công chúng, là nơi diễn ra Chương trình nghệ thuật Khơi dòng tại tối khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội (17/11) cũng là một chương trình được tổ chức với ý tưởng thử nghiệm độc đáo về trình diễn và âm nhạc, kiến trúc.

Không gian sân khấu trong nhà (Pavilion xưởng nóng) được thiết kế dựa trên ý tưởng phối hợp với các vật dụng cũ trở thành một không gian đa năng kết hợp trình diễn, triển lãm tương tác thú vị.

Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay còn bao gồm 9 show trình diễn thời trang - âm nhạc truyền thống kết hợp chất liệu điện tử... truyền cảm hứng cho tất cả khán giả tham gia, đặc biệt là những cá nhân tổ chức đang hoạt động trong ngành Thiết kế.

Không những vậy, người dân Hà Nội sẽ được hòa nhịp không khí Lễ hội thực sự, đồng thời trở thành một phần của quá trình sáng tạo các tác phẩm, qua các sự kiện đa dạng và mang tính tương tác cao như các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, cùng 120 các nhóm tham gia hội chợ thiết kế thủ công đương đại, trải nghiệm ẩm thực...

Trong thời gian diễn ra Lễ hội sẽ có 2 Hội thảo quan trọng về phát triển, xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp; Mạng lưới thành phố sáng tạo và chuỗi 15 tọa đàm được tổ chức với các đề xuất, giải pháp ngắn hạn, dài hạn để Hà Nội thực sự trở thành một trong những thành phố sáng tạo…

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhieu-hoat-dong-thu-vi-tai-le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2023-364123.html