Nhiều học sinh áp lực vì thời khóa biểu tăng số tiết sau Tết

Sau khi đến lớp trở lại, nhiều học sinh ở TP.HCM chia sẻ về áp lực học tập vì thời khóa biểu tăng gấp đôi số tiết so với thời gian học online trước đây.

"Tuần đầu đi học trực tiếp trở lại phải học 41 tiết luôn" là bình luận của bạn Nguyễn Minh Ngọc. "Nhìn thời khóa biểu em thấy hơi mệt" cũng là ý kiến của Ngọc Châu và Linh Lan sau những ngày đầu tiên đến trường học trực tiếp trong năm mới.

Tăng số tiết và buổi học

H.T., học sinh lớp 11 của một trường THPT ở huyện Củ Chi, TP.HCM, cho biết thời khóa biểu hiện tại kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu với 8 tiết/ngày. Trước đó, thời khóa biểu học online của T. là 5 tiết/ngày. Số lượng tiết học tăng gần gấp đôi làm T. cảm thấy áp lực ngay sau Tết.

 Học sinh ở TP.HCM đi học trở lại với thời khóa biểu nhiều số tiết hơn trước. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Học sinh ở TP.HCM đi học trở lại với thời khóa biểu nhiều số tiết hơn trước. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

N.B., học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, chia sẻ đi học trở lại là điều đáng mừng, vì học online không thể hiệu quả như trực tiếp. Tuy nhiên, khi xem thời khóa biểu, N.B. cho rằng các tiết học đang dày đặc hơn trước với nhiều môn phụ không quá cần thiết, gây khó khăn cho những học sinh lớp 12 như mình.

"Trong thời khóa biểu mới, học sinh lớp 12 chúng em bắt buộc phải học tất cả môn chính và phụ. Em thắc mắc vì sao nhà trường không cho học sinh tập trung học trực tiếp môn cần thiết để thi tốt nghiệp THPT, các môn phụ có thể phân chia học online xen kẽ nhau, mà phải tăng thêm nhiều tiết học ở các môn phụ. Điều này rất áp lực với chúng em", N.B. nói.

Nữ sinh này cho biết em đang học ban tự nhiên. Các môn như Toán, Vật Lý, Ngữ Văn, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh đã khiến B. áp lực vì công thức và bài tập nhiều. Nay, thời khóa biểu học trực tiếp tăng thêm tiết các môn phụ (ngoài ban tự nhiên) lên từ 1 đến 2, 3 tiết nữa.

K., học sinh lớp 10 trường quốc tế ở quận 10, chia sẻ thời khóa biểu hiện tại tăng thêm 40 phút so với trước. Trường tăng thời gian học để học sinh chuẩn bị cho đợt thi chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge.

Giải pháp giảm áp lực cho học sinh

Chia sẻ với Zing, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay thời khóa biểu của trường ở các khối lớp là 5 buổi sáng và 3 buổi chiều, dựa theo chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT. Nhà trường dự kiến từ tuần sau tăng thêm một số tiết học và dạy theo hình thức 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường cũng đưa thêm các hoạt động như bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu.

Hiệu trưởng THPT Thanh Đa nhận định việc tăng thời lượng tiết học và buổi học không phải bất thường, vì học sinh đang quay lại chương trình học trực tiếp. Nếu sử dụng thời khóa biểu giống giai đoạn học online trước đây, chất lượng dạy và học sẽ không tốt, kết quả kiểm tra cuối kỳ vừa rồi rất thấp.

Để học sinh giảm bớt áp lực với lịch học trực tiếp sắp tới, trường THPT Thanh Đa dự kiến tổ chức thêm các hoạt động câu lạc bộ, thể dục thể thao.

Tại trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), thời khóa biểu học sinh trở lại sau Tết Nguyên đán là 4 tiết/buổi/ngày với tổng 20 tiết/tuần. Theo bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức thời khóa biểu 2 buổi/ngày ngay từ sau thời gian nghỉ Tết sẽ tạo áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên để học sinh và giáo viên "khởi động".

Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập cho phép học sinh tập trung ở trường từ 7h20 thay vì 6h45 như bình thường. Bắt đầu từ tuần sau, trường THCS Hà Huy Tập sẽ tiến hành tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày với thời lượng 4 tiết học vào buổi sáng và 3 tiết học vào buổi chiều.

 Nhiều giải pháp được đưa ra để giúp học sinh giảm áp lực với thời khóa biểu tăng số tiết và số buổi học. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Nhiều giải pháp được đưa ra để giúp học sinh giảm áp lực với thời khóa biểu tăng số tiết và số buổi học. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10), nhận định "thời gian vàng" sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh. Theo đó, thời khóa biểu hiện tại của nhà trường là 39 tiết/tuần đối với học sinh lớp 12 và 36 tiết/tuần đối với học sinh lớp 10, 11.

Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du chia sẻ thời lượng tiết học trực tiếp tăng là để thực hiện công tác ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau kỳ học online và dạy kiến thức học kỳ II năm học 2021-2022.

Ông Phú cũng đề xuất nhiều giải pháp giảm áp lực cho học sinh. Trong đó, điều quan trọng nhất là nên giảm áp lực về điểm số. Giáo viên cần giảng dạy và ra đề thi để học sinh dễ đạt điểm số tốt.

Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du mong các trường tạo nhiều sân chơi như câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… để học sinh tham gia, giải tỏa năng lượng.

Ngoài ra, nhà trường nên dạy thêm các môn kỹ năng sống để giúp học sinh mạnh mẽ hơn và biết cách hợp tác, học nhóm, chia sẻ thông tin, gỡ bỏ nút thắt sau 8 tháng phải ở nhà nghỉ dịch.

Ông Phú cũng đề cập vai trò của ban tư vấn học đường tại các trường học trong thời điểm này. Theo ông, bộ phận này sẽ nắm bắt được những trăn trở, suy nghĩ, mong muốn của người học, từ đó thấu hiểu và đồng cảm với học sinh hơn.

"Từ những khiếm khuyết của việc học trực tuyến, chúng ta cần tăng cường hoạt động bồi bổ chuyên môn, kỹ năng để học sinh lấy lại trạng thái cân bằng. Tôi hy vọng Sở GD&ĐT TP.HCM nhanh chóng điều chỉnh tăng cường các hoạt động trong nhà trường, đồng thời có thể vào giữa tháng hai cho những hoạt động ngoại khóa trở lại bình thường", ông Phú nói.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-hoc-sinh-ap-luc-vi-thoi-khoa-bieu-tang-so-tiet-sau-tet-post1294852.html