Nhiều khó khăn 'bủa vây' ngành vật liệu xây dựng

Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng ngành vật liệu xây dựng (VLXD) hiện đang gặp nhiều khó khăn không chỉ cản trở sự phát triển của ngành, mà còn tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, thúc đẩy ngành VLXD lấy lại đà tăng trưởng.

Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Ảnh minh họa

Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Ảnh minh họa

Ngành đứng trước nhiều khó khăn

Thông tin về “bức tranh” của ngành VLXD, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - cho biết, những năm qua, ngành VLXD đã có sự phát triển vượt bậc nhờ lượng vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp. Đơn cử, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới, tổng mức đầu tư ước tính lên đến 500 nghìn tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Kính có tổng công suất đạt khoảng 331 triệu m2 kính/năm, đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á, tổng mức đầu tư khoảng 50 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á… Với sự đầu tư bài bản, có năng lực sản xuất lớn, ngành VLXD được đánh giá đã đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước; tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành gặp khá nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trung bình mỗi năm ngành VLXD đóng góp khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước.

Chỉ rõ những khó khăn chính của ngành VLXD hiện nay, theo Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, trước hết, chi phí nhiên liệu, điện phục vụ cho sản xuất VLXD tăng cao thời gian gần đây đã làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các sản phẩm. Cùng với đó, nhiều nguyên liệu để sản xuất VLXD như đá vôi, đá sét, cát trắng silic, cao lanh, nguyên liệu đầu vào làm thép… vẫn còn gặp khó khăn, có lúc chưa đảm bảo đủ ổn định để sản xuất.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong ngành cũng đang gặp khó khăn, do các doanh nghiệp sản xuất VLXD, nhất là các doanh nghiệp xi măng, có tỷ lệ vốn vay ngân hàng lớn. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi lớn. Do sản lượng tiêu thụ sản phẩm rất chậm trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng và mua nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy VLXD, nhất là nhóm xi măng, thép xây dựng sản xuất chưa hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu cao.

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với ngành hiện nay, theo Vụ VLXD, đó là thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án hạ tầng trọng điểm chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ. Cùng với đó, chi phí vận tải quốc tế tăng cao, xuất khẩu các sản phẩm VLXD sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; thị trường nội địa có sự cạnh tranh gay gắt do sản phẩm nhập ngoại tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Ngoài ra cũng phải kể đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến VLXD vẫn chưa được giải quyết triệt để cũng là nguyên nhân làm cho ngành sản xuất VLXD trong nước “điêu đứng”…

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ ngành vật liệu xây dựng phát triển

Theo các chuyên gia, ngành VLXD có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD cũng tác động đáng kể đến việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, việc phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp VLXD không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để đảm bảo an ninh cho ngành xây dựng, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước.

Từ yêu cầu đó cùng với thực trạng những khó khăn của ngành VLXD hiện tại, các hiệp hội trong ngành kiến nghị, để tháo gỡ đầu ra cho các sản phẩm VLXD, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn; cùng với đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác…, từ đó thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu thụ VLXD.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng tối đa phương pháp gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ tại các khu vực phù hợp; ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn, độ dốc lớn và tại những vùng, khu vực thường xuyên bị ngập nước…

Liên quan đến cơ chế chính sách, để hỗ trợ ngành VLXD phát triển, Bộ Xây dựng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanker xi măng để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, cũng như để phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm VLXD, nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn nguyên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường./.

TUẤN MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nhieu-kho-khan-bua-vay-nganh-vat-lieu-xay-dung-35187.html