Nhiều khu rừng bị đe dọa vì các công ty giảm sản xuất giấy tái chế
Nhiều công ty đang cắt giảm sản xuất giấy vệ sinh tái chế. Do đó, các khu rừng và hệ sinh thái đang gián tiếp bị đe dọa.
Theo nghiên cứu gần nhất, giấy vệ sinh, một sản phẩm mà phần lớn chúng ta sử dụng chỉ một lần và vứt bỏ, đang dần đi ngược lại với mục tiêu phát triển bền vững.
Phân tích từ tạp chí Ethical Consumer cho thấy các thương hiệu lớn đã sử dụng giấy tái chế ít hơn so với năm 2011, trong khi chỉ có 5 trong số 9 siêu thị lớn (Co-op, Morrisons, Sainsbury, Tesco và Waitrose) cung cấp giấy vệ sinh tái chế với thương hiệu riêng.
Quy mô lớn của việc sử dụng giấy chưa qua tái chế làm gia tăng việc khai phá rừng một cách không cần thiết.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Giấy Anh (CPI), hàng năm nước này sử dụng khoảng 1,3 triệu tấn khăn giấy. Được biết rằng, trung bình một người tiêu dùng ở Anh sử dụng đến 127 cuộn giấy mỗi năm.
Tuy nhiên, việc sản xuất sản phẩm giấy cuộn 4 lớp với mặt bông cao cấp đang là xu hướng thịnh hành. Điều này thu hút nhiều thương hiệu sử dụng dùng bột giấy nguyên chất, nhằm đầu tư sản xuất mặt hàng giấy vệ sinh cao cấp hơn, giá đắt đỏ hơn.
Alex Crumbie, nhà nghiên cứu của tạp chí Ethical Consumer cho rằng: “Không nhất thiết phải khai thác rừng như thế để sản xuất giấy vệ sinh, nhưng điều ấy đang thực sự xảy ra. Lợi dụng mối quan tâm tập trung vào vấn đề rác thải nhựa của người tiêu dùng, một số thương hiệu lớn đã trì hoãn hoặc thậm chí thay đổi mục tiêu sản xuất giấy vệ sinh tái chế, quay lại sản xuất giấy nguyên chất".
Nghiên cứu đặc biệt chỉ ra ví dụ là Kimberly-Clark, một trong những nhà cung cấp giấy vệ sinh lớn nhất trên thế giới. Tỷ lệ bột giấy tái chế được sử dụng bởi công ty này giảm đáng kể trong những năm qua.
Năm 2011, dưới 30% giấy đã qua sử dụng được tái chế, nhưng đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 23,5%. Thương hiệu Andrex nổi tiếng thuộc Kimberly-Clark chuyên cung cấp mặt hàng sản xuất từ tre hoặc giấy tái chế, đã dừng hoạt động vào năm 2015.
Theo cảnh báo từ tổ chức Hòa bình xanh năm 2017, phần lớn rừng Thụy Điển, thuộc phần rừng lớn Bắc Âu với sự đa dạng sinh học, đang bị đe dọa. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng nhu cầu sản xuất gỗ nguyên chất của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Nghiên cứu mới cho thấy các hóa chất được sử dụng trong sản xuất giấy tái chế ít độc hại hơn nhiều so với hóa chất dùng để tẩy trắng bột giấy nguyên chất.
Thông thường, nhiều người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn với những mặt hàng khăn giấy có đóng dấu FSC - chứng nhận tiêu chuẩn rừng. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu mới là lời cảnh báo đến họ về việc lựa chọn thận trọng đối với cả những sản phẩm FSC.
Đa số giấy vệ sinh cuộn hiện nay đều dùng dấu FSC Mix. Con dấu này chứng chỉ cho loại giấy sản xuất từ sự pha trộn gỗ nguyên chất được chứng nhận FSC. Đó là gỗ tái chế, gỗ nguyên chất lấy từ các nguồn có kiểm soát từ FSC. Có thể thấy, những mặt hàng này chưa đạt được chứng chỉ tuyệt đối từ FSC, nhưng lại được người tiêu dùng đánh giá là khá an toàn để sử dụng.
“Chỉ có khoảng 30% dân số thế giới sử dụng giấy vệ sinh. Chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn cho những sản phẩm giấy vệ sinh. Điều quan trọng là chúng ta phải cân nhắc sử dụng sản phẩm hợp lý nhất, vì hành tinh quý giá của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều hiểm họa", nhà nghiên cứu Crumbie cho biết.