Nhiều kiến thức thực tiễn được đưa vào tổ hợp Khoa học xã hội

Sáng 27-6, thí sinh cả nước bước vào buổi thi cuối cùng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Số lượng thí sinh đăng dự thi bài thi tổ hợp này là 495.713 thí sinh.

 Thí sinh tỏ ra khá thoải mái khi bước vào môn thi cuối cùng.

Thí sinh tỏ ra khá thoải mái khi bước vào môn thi cuối cùng.

Tại các điểm thi, thí sinh đến từ rất sớm, đúng giờ làm thủ tục vào phòng thi theo đúng quy định, an toàn. Hầu hết các thí sinh đều phấn khởi do đã làm khá tốt các môn thi trước đó.

* Tại Hà Nội: Tâm lý chung của nhiều thí sinh khi bước vào thi tổ hợp môn thi này là yên tâm với môn Địa lý và Giáo dục công dân, trong khi môn Lịch sử vẫn là nỗi sợ của không ít thí sinh.

Tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân, nhiều thí sinh cho biết môn Giáo dục công dân đã “cứu” thí sinh với nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức thực tế cuộc sống, môn Địa lý với “bùa” Atlat cũng giúp học sinh dễ dàng kiếm điểm, trong khi môn Sử nhiều bạn chỉ làm đủ để “qua”.

 Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân vui vẻ ra về sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi.

Thí sinh Nguyễn Lân Dũng, học sinh Trường THPT Cầu Giấy cho biết: Với tổ hợp KHXH sáng nay, em yên tâm với môn Địa lý vì có Atlat và môn Giáo dục công dân vì nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức pháp luật. Những nội dung này đều đã được ôn tập. Mỗi môn Lịch sử vì kiến thức nhiều, đòi hỏi phải nhớ chi tiết các sự kiện, diễn biến, mốc thời gian nên em chắc chỉ trả lời đúng 50%. Thí sinh này xét tuyển khối D vào đại học và đã hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

Còn thí sinh Ngô Thúy Dương, học sinh hệ Giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy cho biết bài thi sáng này cũng chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp nên em làm bài khá thoải mái...

 Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc bài thi.

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc bài thi.

Tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng, thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tông cho biết, đề năm nay ở mức độ vừa phải cả 3 môn. Em cũng tin vào kết quả cao của mình. Không có quá nhiều điểm mới, chỉ cần học và ôn sơ sơ cũng có thể nắm chắc trong tay được 7 điểm rồi.

Còn thí sinh nguyễn Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng nhận xét: Em ấn tượng nhất là bài thi Địa lý, vì đề khá là phù hợp, không có câu nào đòi hỏi quá cao như môn Sử. Nhìn chung đề năm nay có cả nhưng câu dễ và khó. Em rất tự tin với bài của mình, nắm chắc trong tay được 8 điểm.

 Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng rời phòng thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng rời phòng thi.

Theo cô giáo Trần Thị Thu Hương (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội), đề thi sáng nay với môn Giáo dục công dân thí sinh muốn đạt điểm 9-10 phải rất chắc kiến thức.

Những câu vận dụng có tính thực tiễn và tính thời sự. Những vấn đề pháp luật trong cuộc sống đã được vận dụng vào đề linh hoạt, có tính định hướng và ứng dụng cao. Đề có sự phân hóa tốt, không gây khó cho học sinh, nhưng yêu cầu người học phải học và đọc kiến thức một cách nghiêm túc. Phổ điểm khoảng 6-7 điểm.

Còn cô giáo Lê Thị Hằng (Trường THPT Cầu Giấy) cho rằng đề vừa sức với học sinh, thể hiện được đầy đủ kiến thức trong các lĩnh vực, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục pháp luật cho công dân thời kỳ mới.

 Atlat Địa lý giúp thí sinh trả lời được nhiều câu hỏi.

Atlat Địa lý giúp thí sinh trả lời được nhiều câu hỏi.

Phần nội dung kinh tế chủ yếu mang tính chất nhận biết, thông hiểu. Các câu vận dụng nếu mở rộng phạm vi tình huống pháp luật sẽ có tính ứng dụng cao hơn nữa. Vì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh nói riêng và công dân nói chung trong thời điểm hiện nay rất quan trọng.

Nhận xét đề thi Địa lý, mã đề 301, cô Trần Hà Mi (giáo viên Địa lý, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội) cho rằng: Địa lí vẫn là một môn học khá “dễ thở” trong nhóm các môn tổ hợp. 10/40 câu khai thác kiến thức từ Atlat là một cơ hội để học sinh lấy điểm dễ dàng. Tỉ lệ câu hỏi nhận biết chiếm gần 50% nhưng vẫn yêu cầu học sinh phải tỉnh táo và chắc kiến thức.

Nội dung lớp 11 chỉ chiếm 4/40 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu về Đông Nam Á. Hình thức đề tương đối giống đề minh họa, tập trung vào chương trình lớp 12 với sự phân cấp khá rõ ràng. Các câu hỏi khó nhất bắt đầu từ câu 75 đến 80, chủ yếu thuộc phần Địa lý kinh tế và Địa lý vùng kinh tế của chương trình lớp 12, yêu cầu học sinh có sự hiểu biết sâu rộng và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa. Bên cạnh đó cũng có nhiều đổi mới trong cách ra đề, học sinh cần quan tâm nhiều hơn những thông tin thời sự, tình hình kinh tế,... nhằm có cơ hội ghi được điểm tuyệt đối trong bộ môn này. Phổ điểm năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018. (Tin, ảnh: KHÁNH HÀ – TRUNG KIÊN)

* Tại Hà Nam: Sáng nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 đã kiểm tra công tác coi thi, rà soát các điều kiện cho các công việc tiếp theo của kỳ thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Nam.

 Thứ trưởng cùng đoàn công tác Đoàn công tác kiểm tra phòng bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT B Thanh Liêm.

Thứ trưởng cùng đoàn công tác Đoàn công tác kiểm tra phòng bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT B Thanh Liêm.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã kiểm tra công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT B Thanh Liêm và Trường chuyên Biên Hòa. Trong 4 buổi của 2 ngày thi, tại đây không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi, giám thi nào sai sót quy trình coi thi.

Tại trường THPT B Thanh Liêm, chỉ có một sự cố xảy ra về sức khỏe của thí sinh nhưng nhân viên trực y tế tại đây đã kịp thời sơ cứu để thí sinh tiếp tục tham gia thi tiếp.

 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, động viên với các cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Biên Hòa – Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, động viên với các cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Biên Hòa – Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Nam.

Qua kiểm tra tại 2 điểm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận: Hội đồng thi Hà Nam đã tổ chức khâu coi thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Các khâu được thực hiện đúng quy trình, quy chế thi, đề thi, bài thi được bảo quản tuyệt mật, có camera ghi hình suốt quá trình bảo quản theo đúng quy chế thi.

Tại các điểm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và các Ủy viên Ban chỉ đạo đã kiểm tra kỹ các khâu: Coi thi, phát đề thi môn thi thành phần, thu bài thi, niêm phong túi đựng bài thi; Kiểm tra phòng bảo quản bài thi, đề thi, hoạt động của camera an ninh giám sát phòng bảo quản đề thi, bài thi.

 Các thành viên đoàn công tác kiểm tra phòng y tế tại điểm thi Trường THPT B Thanh Liêm.

Các thành viên đoàn công tác kiểm tra phòng y tế tại điểm thi Trường THPT B Thanh Liêm.

Sau buổi thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu: Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm và an ninh bảo vệ phải chú trọng khâu đưa bài thi bàn giao cho Hội đồng thi. Đồng thời việc niêm phong, bảo quản ổ lưu trữ dữ liệu hình ảnh camera giám sát để bảo quản 1 năm sau đó phải được thực hiện đúng quy trình, quy chế thi.

Đảm bảo có đủ các thành phần khi niêm phong và có ghi biên bản, các thành phần chứng kiến niêm phong gồm: Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, thanh tra, công an bảo vệ. “Các điểm thi phải cẩn trọng đến những việc cuối cùng của khâu coi thi” -Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. (Tin, ảnh: BÁ HẢI)

* Tại TP Hồ Chí Minh: Các sĩ tử tại cụm thi TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành bài thi các môn Khoa học xã hội với tổng thời gian làm bài 150 phút.

 Thí sinh tại điểm thi THCS Colette trao đổi sau khi thi các môn Khoa học xã hội.

Thí sinh tại điểm thi THCS Colette trao đổi sau khi thi các môn Khoa học xã hội.

Tại điểm thi trường THCS Colette (quận 3) hầu hết thí sinh có mặt từ rất sớm để tham gia buổi thi cuối cùng các môn tổ hợp này. Chia sẻ với phóng viên, thí sinh Nguyễn Trà My, trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Là những môn thi cuối cùng nên tâm lý của em hoàn toàn thoải mái, cũng như các môn khác em đánh giá đề thi năm nay không quá sức với học sinh. Hầu hết các bạn đều hoàn thành bài thi và dự đoán làm được trên 70%. Hy vọng kết quả của kỳ thi được tốt để làm bước đệm cho chúng em vào giảng đường đại học.”

 Đội tiếp sức mùa thi giúp đỡ các thí sinh khuyết tật rời phòng thi tại điểm thi THCS Colette.

Đội tiếp sức mùa thi giúp đỡ các thí sinh khuyết tật rời phòng thi tại điểm thi THCS Colette.

Trong buổi thi cuối cùng, thời tiết tại TP Hồ Chí Minh khá mát mẻ, các điểm thi diễn ra nghiêm túc, lực lượng an ninh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thí sinh dự thi. (Tin, ảnh: LÊ CÚC)

* Tại Cần Thơ: Các thí sinh vừa kết thúc môn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đây là môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Trao đổi với các thí sinh, phần lớn đều cho rằng, tổ hợp KHXH tương đối. Môn Địa lý vừa sức nhưng môn Lịch Sử lại khó.

Tại điểm thi trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ, em Đăng Khoa, cho biết em thấy đề Sử hơi khó, tập trung vào chiến dịch Điên Biên Phủ. Em làm được khoảng 50% là chắc chắn.

 Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng.

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng.

Thí sinh Trường An thi tại điểm thi này cũng cho biết trong 3 môn dự thi sáng nay, môn Sử khó nhất vì có những phần liên quan đến kiến thức lịch sử thế giới của lớp 11 nên tụi em không ôn tập kỹ. Riêng môn Địa lý ở mức trung bình, lại có nhiều câu có thể sử dụng Atlat nên để đạt điểm cao dễ hơn. Tuy nhiên, cả 2 môn em đều làm khá kịp thời gian.

Sáng nay, tại điểm thi Trường THPT Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi. (Tin, ảnh: THÚY AN)

* Tại Đà Nẵng: Hơn 5.500 thí sinh, tại 24 điểm thi thuộc Hội đồng thi Đà Nẵng dự thi tổ hợp Khoa học xã hội kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Hoàn thành bài thi ở tổ hợp Khoa học xã hội, các thí sinh rời phòng thi trong không khí vui tươi.

 Không khí trường thi vui tươi, rộn rã hơn trong ngày thi cuối cùng.

Không khí trường thi vui tươi, rộn rã hơn trong ngày thi cuối cùng.

Em Lê Công Hậu (Trường THPT Nguyễn Hiền) chia sẻ: “Em thấy đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD) đều bám sát chương trình học ở trường. Trong đó, môn Lịch sử là môn phân loại cao hơn 2 môn còn lại; các câu hỏi tập trung đều cả 2 phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Môn Địa lý có những câu rất dễ, nếu trong khi học, chú ý Atlat thì chắc chắn làm đúng. Môn GDCD cũng vừa sức với thí sinh. Em rất hài lòng về phần làm bài của mình”.

 Các em trao đổi về đề thi các môn khoa học xã hội.

Các em trao đổi về đề thi các môn khoa học xã hội.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Ngày thi thứ 3 được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Tuy nhiên, có 67 thí sinh vắng mặt ở ngày thi cuối cùng, trong đó (môn Lịch sử:27; môn Địa lý:20; môn GDCD:20 thí sinh); có 1 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi.

 Các đội sinh viên tình nguyện tiếp tục túc trực tại các điểm thi để hỗ trợ các thí sinh và phụ huynh.

Các đội sinh viên tình nguyện tiếp tục túc trực tại các điểm thi để hỗ trợ các thí sinh và phụ huynh.

Tại các trục đường chính gần các điểm thi, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt để điều hành, phân luồng xe, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Các đội sinh viên tình nguyện tiếp tục đóng quân tại các điểm thi để hỗ trợ nước uống, quạt cầm tay… tạo động lực để các thí sinh hoàn thành tốt những môn thi cuối cùng. (Tin, ảnh: KIM NGÂN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nhieu-kien-thuc-thuc-tien-duoc-dua-vao-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi-580930