Nhiều kỳ vọng cho các võ sĩ Tán thủ
Tại giải wushu vô địch châu Á 2024 kết thúc hồi giữa tháng 9 này, đoàn Việt Nam giành được 3 HCV, 2 HCB, 9 HCĐ, đứng hạng 4 chung cuộc, trong đó cả 3 HCV đều thuộc về các võ sĩ Tán thủ. Tất cả cho thấy đây sẽ là mũi nhọn tranh chấp HCV ở các kỳ SEA Games, ASIAD tới của đội tuyển wushu Việt Nam.
Niềm vui đến từ lò võ ngoại thành Hà Nội
Trong 3 võ sĩ Tán thủ của đội tuyển wushu Việt Nam giành HCV tại giải lần này, đáng chú ý là trường hợp của võ sĩ sinh năm 2005 Hứa Văn Đoàn ở hạng 56kg. Chàng trai này là lứa VĐV đầu tiên được tuyển vào “Wushu King”, câu lạc bộ (CLB) chuyên đào tạo các VĐV wushu đặt tại xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Cách đây vài năm, khi CLB mới ra đời, Báo Công an nhân dân đã có bài viết về CLB, xem đây như một mô hình khá đặc biệt của thể thao Hà Nội.
Ở đó, CLB được vận hành bởi sự đam mê võ thuật của những người dân ở địa phương cùng sự hỗ trợ chuyên môn của bộ môn wushu (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội). Diện tích đất để làm nơi tập luyện, ăn, ở của các VĐV được tuyển vào đây dạo năm 2019 cũng có giá trị hàng chục tỷ đồng. Nếu chỉ cho thuê thì chủ đất cũng có thu nhập kha khá nhưng người chủ đất Phan Quốc Vương - cũng là võ sư có tiếng trong vùng, vẫn nhất quyết gìn giữ cơ ngơi của CLB Wushu King dù chẳng nhìn thấy lợi nhuận vật chất từ việc này. Đến lúc này, giá trị đất ở Bắc Hồng (Đông Anh) đã tăng gần chục lần nhưng ý định gìn giữ CLB Wushu King của những người tâm huyết với CLB vẫn không thay đổi.
Ở CLB Wushu King, cậu bé Hứa Văn Đoàn từ Tuyên Quang đã được tuyển vào lứa đầu tiên cùng niềm kỳ vọng của các thầy về việc sẽ mang lại thương hiệu cho CLB cũng như tạo ra những nhà vô địch châu Á, SEA Games trong tương lai. Ở môi trường tập luyện, đào tạo trẻ cực kỳ chất lượng như Wushu King, cậu bé Hứa Văn Đoàn nhanh chóng chứng tỏ khả năng để rồi được giới thiệu tuyển vào tuyến trẻ của đội tuyển wushu Hà Nội rồi sau đó là các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia.
Chỉ mới năm ngoái, năm 2023, trong lần đầu tiên dự ASIAD, chàng trai trẻ 18 tuổi Hứa Văn Đoàn đã gây bất ngờ bằng việc giành HCĐ hạng 56kg. Đến Giải wushu vô địch châu Á 2024 mới kết thúc ở Macau (Trung Quốc), Hứa Văn Đoàn đi một lèo đến trận chung kết bằng lối đánh thông minh của mình. Đặc biệt, trận thắng trước võ sĩ Karim Iminzhanov (Kazakhstan) ở trận chung kết được đánh giá cao về mặt chiến thuật khi Đoàn vô hiệu hóa hầu hết thế mạnh đòn tay của đối thủ nhờ sự di chuyển linh hoạt, giữ khoảng cách tốt và nhanh chóng áp sát để ghi điểm.
Trước đó, ở bán kết, Karim Iminzhanov đã tạo dấu ấn khi hạ đo ván võ sĩ Trung Quốc cũng bằng đòn tay cực nhanh, biến hóa và đầy sức mạnh của mình. Đó cũng là chức vô địch châu Á đầu tiên của võ sĩ mới 19 tuổi Hứa Văn Đoàn, cũng là sự ghi nhận những đóng góp miệt mài, hiệu quả cho wushu Việt Nam cũng như wushu Hà Nội của lò võ ngoại thành Hà Nội “Wushu King”.
Không đầu tư mạnh tay, khó làm chuyện lớn
Tất nhiên, chỉ sự đào tạo ban đầu của các địa phương, sự huấn luyện của các HLV đội tuyển quốc gia sẽ khó có những tấm HCV châu lục. Tất cả còn đến từ chiến lược đầu tư bài bản. Như trước giải vô địch châu Á lần này, cả hai nhóm biểu diễn (Taolu) và đối kháng (Tán thủ) của đội tuyển wushu quốc gia đều được đưa đi tập huấn tại Trung Quốc.
Chuyến tập huấn tại đây dù không dài, chỉ 1 tháng so với dự kiến là 3 tháng trong đó có sự đóng góp đáng kể về kinh phí từ ngành Thể thao Hà Nội, nhưng cũng phần nào mang đến sự đánh giá chính xác về khả năng tranh chấp huy chương của các VĐV cũng như giúp VĐV có cảm giác thi đấu. HLV đội Tán thủ Phan Quốc Vinh kể rằng, những cuộc thi đấu liên tục tại Trung Quốc trong thời gian tập huấn đã thực sự là yếu tố gần như quyết định đến việc nâng cao bản lĩnh cho các VĐV Việt Nam.
Đó cũng được xem là lời giải để tạo nên sự phát triển bền vững cho đội tuyển wushu Việt Nam khi trước mắt còn vô vàn khó khăn. Khó khăn đầu tiên đến từ lực lượng khi nhóm VĐV biểu diễn đang có sự hụt hẫng về lực lượng kế thừa, khiến khả năng tranh chấp HCV SEA Games hay ASIAD trong khoảng 1-3 năm tới vẫn sẽ là dấu hỏi.
Hiện tại, như đánh giá của giới chuyên môn, ngay ở Đông Nam Á, trình độ VĐV Việt Nam ở nội dung biểu diễn còn thua nhiều so với Malaysia. Trong khi đó, ở nội dung Tán thủ, Indonesia, Philippines cũng đang được đầu tư mạnh mẽ hơn hẳn các võ sĩ Việt Nam. Lấy ngay ví dụ là các võ sĩ Tán thủ của Indonesia thời gian qua từng tập huấn cả năm tại Trung Quốc trước khi tập huấn ở một số nước khác, trong đó có Việt Nam. Với sự đầu tư mạnh mẽ như vậy, dễ hiểu khi đội tuyển wushu Indonesia đang được xem là hàng đầu Đông Nam Á.
Cho nên, với dàn lực lượng hiện có, wushu Việt Nam sẽ phải trông đợi nhiều vào lớp VĐV Tán thủ hiện nay, đa số là các VĐV trẻ, để gánh vác trọng trách giành HCV ở những sân chơi quan trọng như SEA Games, ASIAD. Và từ ví dụ gần nhất là chuyến tập huấn thành công ở Trung Quốc trước thềm Giải vô địch châu Á 2024, cần phải đầu tư mạnh tay hơn cho đội tuyển với nhiều chuyến tập huấn nước ngoài với thời gian dài hơn 1 tháng.
Ai cũng hiểu, tập huấn ở những địa điểm tốt tại Trung Quốc rất tốn kém, khoảng 100 USD/ ngày/ người, nhưng không đầu tư thì khó hái quả ngọt. Đặc biệt sân chơi ASIAD khốc liệt hơn rất nhiều so với Giải vô địch châu Á nên càng cần phải đầu tư mạnh tay để có dàn VĐV đủ tự tin tranh tài ở đây. Ở đây, khi nguồn kinh phí cho bộ môn wushu của Cục TDTT khó có đột phá so với các năm trước thì phải cần đến sự chung tay của các địa phương có VĐV trên tuyển quốc gia, tuyển trẻ quốc gia, các doanh nghiệp.
Ông Vũ Văn Trung, phụ trách môn wushu, Cục TDTT cho biết: “Wushu cũng là môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của các kỳ ASIAD. Chính vì vậy để giữ được vị trí, thành tích và phát triển tốt hơn nữa ở sân chơi châu lục thì Wushu Việt Nam sẽ tiếp tục cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư sâu hơn nữa cho các giải đấu quốc tế lớn diễn ra trong thời gian tới”. Đấy là những nhận xét xác đáng nhưng rõ ràng, vẫn cần đường hướng đầu tư rõ ràng ngay từ lúc này cho các võ sĩ của một môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam như wushu.
Sớm khỏa lấp thiếu hụt lực lượng ở nội dung biểu diễn
Trong khi nguồn VĐV Tán thủ đang khá dồi dào với nhiều nhân tố trẻ tài năng thì nguồn VĐV biểu diễn lại đang là vấn đề với wushu Việt Nam. Trong định hướng phát triển những năm tới, bộ môn wushu (Cục TDTT) cũng đang xây dựng kế hoạch đầu tư mạnh tay hơn để các võ sĩ biểu diễn sớm trưởng thành về mặt nghề nghiệp, có thể đáp ứng được các nhiệm vụ quốc tế ở mọi cấp độ. (Minh Khuê)
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/nhieu-ky-vong-cho-cac-vo-si-tan-thu-i745209/