Nhiều ngân hàng sẽ không thực hiện giao dịch với các tính năng liên quan đến thanh toán qua NAPAS trong ngày 01/11/2024
Do thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống, nhiều tính năng liên quan đến thanh toán của Napas (Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) tại một số ngân hàng sẽ tạm thời bị gián đoạn (không thực hiện được giao dịch).
Nhiều ngân hàng thông báo gián đoạn dịch vụ chuyển tiền qua NAPAS trong 1 giờ
Mới đây, nhiều ngân hàng đã ra thông báo về việc gián đoạn dịch vụ qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Thời gian gián đoạn sẽ kéo dài trong 60 phút, từ 0h00 đến 1h00 trong hai ngày 28/10/2024 và ngày 1/11/2024.
Tại khoảng thời gian này, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống. Do đó, nhiều tính năng liên quan đến thanh toán của Napas tại một số ngân hàng sẽ tạm thời bị gián đoạn (không thực hiện được giao dịch).
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã ck: TCB) ra thông báo trong khoảng thời gian trên, một số dịch vụ chuyển tiền và thanh toán có thể xảy ra gián đoạn tạm thời như:
- Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7.
- Chuyển tiền hoặc thanh toán bằng mã VietQR (bao gồm QR cá nhân và QR cửa hàng).
- Thanh toán online (Ecom NAPAS) và giao dịch thanh toán qua ATM/POS đối với thẻ liên kết với NAPAS.
- Thanh toán vé máy bay trên Techcombank Mobile.
- Thanh toán SamSung Pay liên kết với thẻ NAPAS.
Không chỉ Techcombank, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ra thông báo, trong thời gian này, các tính năng liên quan đến thanh toán của Napas trên ngân hàng số (ACB ONE, ACB ONE BIZ, ACB ONE PRO) sẽ bị gián đoạn, bao gồm:
- Chuyển tiền nhanh NAPAS 24/7.
- Nạp tiền điện thoại/thanh toán cước điện thoại.
- Thanh toán cước truyền hình/Internet.
- Thanh toán vé máy bay/vé tàu lửa/dịch vụ Cảng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ thẻ cũng bị tạm ngừng giao dịch tại ACB như:
- Giao dịch rút tiền và xem số dư bằng thẻ, rút tiền VietQR bằng thẻ Napas do ngân hàng khác phát hành
- Giao dịch thực hiện tại ATM/POS khác ACB, thanh toán trực tuyến và SamsungPay
- Giao dịch thực hiện tại POS ACB.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cũng ra thông báo, các ứng dụng thực hiện giao dịch chuyển tiền qua Napas sẽ bị gián đoạn gồm:
- eBanking: Giao dịch đi qua hệ thống thanh toán của Napas.
- Agribank Plus: Giao dịch đi ngân hàng Citibank, Techcombank.
- Hệ thống kết nối ARS và thanh toán song phương bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, giao dịch chuyển khoản đến Agribank qua hệ thống của Napas cũng có thể không thực hiện được trong thời gian trên.
Trong khi đó, các hệ thống hoạt động bình thường trong thời gian trên gồm: Hệ thống thanh toán song phương Realtime (Vietcombank, VietinBank và MB); hệ thống thanh toán song phương 24/7 (BIDV và VietinBank) và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
NAPAS - độc quyền trên thị trường chuyển mạch tài chính
Vốn được mệnh danh “ông vua” trên thị trường chuyển mạch tài chính, Napas, tiền thân là liên minh thẻ Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) được thành lập vào năm 2004.
Ba năm sau, một liên minh thẻ khác là Smartlink ra đời. Hai công ty đều có nhiệm vụ chuyển mạch kết nối, cung cấp dịch vụ liên quan tới thẻ thanh toán, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, thực hiện truyền dẫn, trao đổi xử lý giao dịch điện tử tự động giữa người dùng với đơn vị cung ứng, đồng thời kết nối các ngân hàng thành viên.
Tháng 4/2015, Banknetvn và Smartlink sáp nhập, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) vào tháng 2/2016.
Từ đây, Napas là đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.
Hiện tại, Napas đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính kết nối liên thông hơn 19.600 máy ATM, gần 360.000 máy POS phục vụ hơn 120 triệu chủ thẻ. Sản phẩm, dịch vụ của Napas cung cấp tới tệp khách hàng trực tiếp của hơn 100 tổ chức thành viên là các ngân hàng, công ty tài chính và trung gian thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức thanh toán quốc tế.
Napas đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác.
Với lợi thế độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính trên thị trường cho các ngân hàng, NAPAS đã ngày một phát triển mạnh trong những năm qua khi nhu cầu giao dịch ngân hàng liên tục tăng trưởng.
Ngày 7/8/2023, Napas còn ra mắt dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (tên dịch vụ VietQRCash).
Theo giới thiệu, khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng thanh toán của ngân hàng (mobile app) để quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM. Sau khi chọn loại thẻ, khách hàng có thể lựa chọn số tiền cần rút trên mobile app của ngân hàng hoặc trên ATM và hoàn thành bước xác thực. Hạn mức và phí giao dịch tương tự như quy định hiện nay đối với giao dịch rút tiền trên ATM bằng thẻ Napas.