Nhiều người bệnh nặng được cứu sống nhờ kỹ thuật Hybrid tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều ca bệnh nặng, phức tạp đã được cứu sống nhờ phát triển chuyên môn kỹ thuật, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cao. Trong 1 tháng gần đây, Khoa Can thiệp Tim mạch và Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực đã phối hợp thực hiện kỹ thuật Hybrid điều trị cho 3 người bệnh bị bệnh động mạch chủ nguy hiểm.

Trường hợp gần đây nhất được điều trị thành công nhờ kỹ thuật Hybrid là người bệnh Trần Đức Nam 77 tuổi, ở Yên Luật – Hạ Hòa. Người bệnh vào viện vì đau tức ngực, khó thở. Kết quả chụp MSCT động mạch chủ ngực cho thấy hình ảnh động mạch chủ xuống có túi phình, kích thước ~ 6cm.

Sau khi có kết quả chẩn đoán là phình hình túi động mạch chủ ngực, các bác sĩ Khoa Can thiệp Tim mạch và Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực đã hội chẩn đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh là sử dụng kỹ thuật Hybrid (phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh – cảnh và cảnh dưới đòn trái kết hợp với đặt stent Graft động mạch chủ ngực).

Ca phẫu thuật được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực Trung tâm Tim mạch và Khoa Can thiệp tim mạch phối hợp được thực hiện trong 4 giờ tại phòng mổ hybrid.

Hình ảnh phim chụp: Động mạch chủ ngực sau khi được đặt Stent và hình ảnh cầu nối động mạch cảnh – cảnh và cảnh dưới đòn bằng mạch máu nhân tạo

Hình ảnh phim chụp: Động mạch chủ ngực sau khi được đặt Stent và hình ảnh cầu nối động mạch cảnh – cảnh và cảnh dưới đòn bằng mạch máu nhân tạo

Sau 7 ngày điều trị hậu phẫu, người bệnh ổn định, không đau ngực, huyết áp và nhịp tim ổn định. Kết quả chụp CT 128 dãy cho thấy vị trí đặt Stent Graft đúng, tưới máu tạng tốt, không có bất kỳ biến chứng nào và đã được xuất viện.

Sức khỏe người bệnh ổn định sau phẫu thuật và can thiệp

Sức khỏe người bệnh ổn định sau phẫu thuật và can thiệp

Tương tự, người bệnh B.C.Đ ở huyện Đoan Hùng nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, đau xiên ra sau lưng; kết quả chụp MSCT động mạch chủ cho thấy hình ảnh lóc tách động mạch chủ ngực ngay sát quai động mạch chủ, lóc tách lan đến chỗ chia của động mạch chậu (lóc tách động mạch chủ ngực Standford B). Khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh được các bác sĩ thực hiện can thiệp và phẫu thuật bằng kỹ thuật Hybrid. Và 7 ngày sau điều trị, sức khỏe người bệnh cũng đã ổn định, ăn uống, sinh hoạt bình thường và được ra viện.

Hay như trường hợp của người bệnh N.Q.T ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc, nhập viện với khối phình động mạch chủ ngực lớn ~ 7cm. Người bệnh đã được các bác sĩ can thiệp mạch và phẫu thuật mạch máu thực hiện kỹ thuật Hybrid (kết hợp đặt Stent Graft động mạch chủ ngực và phẫu thuật bắc cầu nối động mạch). Sau phẫu thuật 8 ngày người bệnh ổn định và được ra viện.

Ekip phẫu thuật và can thiệp cho người bệnh

Ekip phẫu thuật và can thiệp cho người bệnh

ThS.BS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch cho biết: Kỹ thuật Hybrid là kỹ thuật phối hợp giữa phẫu thuật và can thiệp mạch máu. Đây là một kỹ thuật cao, chuyên sâu trong lĩnh vực can thiệp và phẫu thuật tim mạch, chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế có sự đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, có phòng mổ Hybrid, kíp phẫu thuật mạch máu và kíp can thiệp mạch máu chuyên nghiệp.

Phòng mổ Hybrid hiện đại tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phòng mổ Hybrid hiện đại tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Kỹ thuật Hybrid đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong nhiều năm nay, giúp đem lại cơ hội sống cho nhiều người mắc các bệnh lý nặng nề về tim mạch.

Những thành tựu đạt được trong ứng dụng kỹ thuật Hybrid tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Trung tâm trong thời gian qua. Kỹ thuật tiên tiến này không chỉ mở ra hy vọng mới cho người bệnh tại Phú Thọ mà còn thu hút người bệnh từ các tỉnh lân cận đến điều trị.

Trương Tĩnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhieu-nguoi-benh-nang-duoc-cuu-song-nho-ky-thuat-hybrid-tai-benh-vien-da-khoa-tinh-220850.htm