Nhiều người lạm dụng giấy xác nhận đi đường

Công an các quận, huyện ở TP.HCM kiểm tra rất kỹ giấy xác nhận đi đường mà cơ quan, đơn vị cấp cho người dân, nếu thuộc ngành nghề thiết yếu mới được qua chốt.

Thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công an các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã lập các chốt kiểm tra ở khu vực giáp ranh, tăng cường xử lý các hành vi ra đường mà không có lý do chính đáng.

Theo một số Đội CSGT - trật tự trên địa bàn TP, áp lực của lực lượng chức năng khi kiểm tra tại các chốt kiểm soát là việc mất thời gian để kiểm tra cụ thể nội dung trong giấy xác nhận (GXN) của các cơ quan, đơn vị cấp cho người dân.

Hầu như ai cũng có giấy xác nhận

Theo Đội CSGT - trật tự quận 1, khi kiểm tra tại các chốt kiểm soát, đa phần người dân đều có GXN của cơ quan, đơn vị cấp. Hầu hết người dân đều chủ động trình giấy này khi đến chốt chứ không đợi lực lượng chức năng yêu cầu nhằm nhanh chóng được qua chốt.

Để tránh tập trung đông người, ùn tắc cục bộ, Đội CSGT - trật tự quận 1 phân công cụ thể cho từng cán bộ để kiểm tra thật nhanh chóng. Tuy nhiên, các nội dung trong GXN phải được coi kỹ, phải là ngành nghề được phép hoạt động theo Chỉ thị 16 và chỉ đạo của UBND TP.HCM mới được qua chốt.

“Có trường hợp đưa giấy của công ty thiết kế quảng cáo và nói rằng cần lên công ty làm việc nhưng rõ ràng, đây là ngành nghề không được hoạt động trong thời điểm này” - Đội CSGT - trật tự quận 1 nói và khẳng định khi kiểm tra GXN, nếu đó là ngành nghề được phép kinh doanh, hoạt động thì nhanh chóng cho qua.

Người dân trình “giấy thông hành” cho lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM vào ngày 12-7. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân trình “giấy thông hành” cho lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM vào ngày 12-7. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên, điều khiến lực lượng chức năng băn khoăn là nhiều GXN có nội dung chung chung, mang tính chất đối phó để nhân viên công ty được ra đường vì không nêu rõ nhiệm vụ công việc của từng người, thời gian làm việc.

“Chẳng hạn, nhiệm vụ của người làm văn phòng thì có thể làm việc qua mạng, ai có nhiệm vụ cần thiết đi ra đường thì mới cấp giấy. Việc này là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị” - Đội CSGT - trật tự quận 1 cho hay.

Cũng theo Đội CSGT - trật tự quận 1, trong những trường hợp mà đơn vị này xử phạt lỗi ra đường không có lý do chính đáng có trường hợp viện cớ đem giấy tờ đến trường làm hồ sơ, dù bây giờ trường học không hoạt động; đi thăm nhà vợ... Thậm chí có người treo trên xe một bịch rau chạy từ quận Bình Thạnh sang quận 1, nói rằng do mua nhầm rau nên mang đi đổi…

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP chiều 13-7, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương cho biết từ 0 giờ ngày 9-7 đến nay, TP.HCM đã lập 766 đoàn kiểm tra, xử phạt 2.052 vụ với số tiền gần 5 tỉ đồng.

Shop hoa, công ty tin học cũng cấp giấy

Trong khi đó, Đội CSGT - trật tự quận 3 cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng cũng xử lý nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng như đưa đồ cho người thân, lấy bảng lương, thăm người nhà...

Theo Đội CSGT - trật tự quận 3, có tình trạng lạm dụng GXN để ra đường. Nhiều người đưa GXN của các công ty không nằm trong danh mục các ngành nghề cấp thiết được phép hoạt động. Chẳng hạn, có người xin lên công ty tin học lấy bảng lương, ngay cả shop bán hoa cũng có GXN để đi ra đường.

Ngoài ra còn có trường hợp có GXN của đơn vị vận chuyển hàng hóa nhưng thời điểm kiểm tra, người dân không phải đi làm nhiệm vụ giao hàng…

Do vậy, nhằm phòng chống dịch COVID-19, lực lượng tại các chốt kiểm soát trên địa bàn quận 3 đã kiểm tra, xem xét rất kỹ các GXN của cơ quan, đơn vị được phép hoạt động theo Chỉ thị 16. Ngay cả GXN được chụp qua điện thoại cũng không được chấp thuận để phòng trường hợp giả mạo.

TP.HCM điều chỉnh hoạt động các chốt, trạm kiểm soát nội ô

Chiều 13-7, Công an TP.HCM cho biết đã điều chỉnh phương pháp kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 trong nội ô TP của cấp quận, huyện, TP Thủ Đức.

Theo đó, các chốt, trạm kiểm soát trong nội ô TP sẽ chuyển từ hoạt động cố định sang tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra lưu động trong phạm vi và các tuyến đường xung quanh các chốt, trạm.

Khi không tuần tra, kiểm tra lưu động, các lực lượng sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tại các chốt cố định trong nội ô TP theo phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên. Việc kiểm tra ngẫu nhiên này nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, không để xảy ra ùn ứ giao thông tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong nội ô TP.

Theo Công an TP.HCM, các chốt sẽ chỉ kiểm tra những trường hợp có căn cứ, dấu hiệu vi phạm quy định giãn cách xã hội, ra khỏi nhà khi không cần thiết hoặc không thuộc nhóm được ra đường theo quy định.

Trước đó, trưa 13-7, các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 cấp quận, huyện ở TP.HCM đã được tháo dỡ. Riêng 12 chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cửa ngõ ra vào TP vẫn hoạt động bình thường.

Cùng ngày, lãnh đạo Đội CSGT - trật tự quận Gò Vấp cho biết đã thành lập bốn tổ tuần tra lưu động, mỗi tổ khoảng năm người gồm CSGT, các đội nghiệp vụ, công an phường.

Lãnh đạo Đội CSGT - trật tự quận 1 cũng cho hay đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát trên địa bàn quận và thành lập các tổ tuần tra phối hợp với các lực lượng khác như mô hình tổ 363, kết hợp phòng chống tội phạm.

Trong khi đó, TP Thủ Đức cũng tổ chức năm tổ gồm CSGT, cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy, cảnh sát cơ động thường xuyên phối hợp luân phiên tuần tra trên địa bàn. Đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, trong đó có việc ra đường không có lý do chính đáng.

TP Thủ Đức cũng lưu ý các điểm phong tỏa, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 vẫn duy trì hoạt động bình thường, người dân tránh nhầm lẫn với các chốt kiểm soát ngoài đường. N.TÂN - L.THOA - T.SANG

HOÀNG KIM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nhieu-nguoi-lam-dung-giay-xac-nhan-di-duong-1000406.html