Nhiều nhà đầu tư không kịp 'bắt đáy' Bitcoin vì giá USDT tăng cao

Sau cú sập của thị trường tiền số hôm 4/12, nhiều nhà đầu tư không thể bắt đáy vì tỷ giá USDT/VNĐ tăng cao.

Ngày 4/12, thị trường chứng kiến cú “sập” giá của Bitcoin cùng nhiều đồng tiền số. Ngoài xu hướng bán tháo, cắt lỗ, một số nhà đầu tư tìm cách “bắt đáy” những coin/token tiềm năng ở khoảng giá tốt. Tuy nhiên, giá đồng Tether (USDT), loại stablecoin phổ biến nhất hiện nay tăng cao trong thời điểm thị trường biến động, khiến nhà đầu tư vụt mất cơ hội.

Trong trưa 4/12, khi nhu cầu tìm mua stablecoin để “bắt đáy” của nhà đầu tư tăng cao, người bán USDT trên Binance P2P đồng loạt nâng giá token này. Thông thường, một USDT có giá khoảng 23.000-24.000 đồng. Vào lúc cao điểm, Tether được người bán rao giá khoảng 27.000 đồng/USDT.

Một số nhà đầu tư buộc phải mua USDT ở mức cao hơn 10-15% để tham gia thị trường. Ngoài ra, chính việc giá Tether quá cao khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước”, bỏ qua cơ hội cơ hội “bắt đáy”.

Chia sẻ với Zing, nhà đầu tư cá nhân ngụ TP.HCM, ông Nguyễn Quang Nguyên cho biết tỷ giá USDT trong ngày 4/12 quá cao khiến bản thân không thể “bắt đáy” khi thị trường sập.

“Tài khoản của tôi giảm đi 50% sau đợt rớt giá của Bitcoin. Khi kiểm tra trên nền tảng P2P của sàn giao dịch Binance, tỷ giá VNĐ/USDT quá cao nên tôi quyết định không mua thêm Tether để bắt đáy vì sợ đu đỉnh USDT”, ông Nguyên chia sẻ.

 Tỷ giá USDT/VNĐ hôm 4/12. Ảnh: HC.

Tỷ giá USDT/VNĐ hôm 4/12. Ảnh: HC.

Ngược lại, những nhà đầu tư đã trữ USDT trước đó đã có thể dễ dàng để mua tiền mã hóa sau đợt sụt giảm của Bitcoin. Trả lời Zing, nhà đầu tư người Việt sống tại Canada, ông N.T.Phát cho biết bản thân đã tích trữ USDT từ trước. Vì vậy, việc bắt đáy và mua trung bình giá (DCA) diễn ra khá suôn sẻ.

“Tôi có chiến lược cá nhân là luôn dự trữ USDT để mua trung bình giá. Bản thân đã tích trữ Tether từ trước cú sập nên việc ‘bắt đáy’ khá dễ dàng”, ông Phát cho biết.

Theo ông Phát, thị trường P2P trên sàn Binance tại Canada vẫn bị đẩy giá tương tự thị trường Việt Nam. Đồng thời, ông Phát cho rằng do cầu tăng cao nên tỷ giá Tether bị “thổi” là chuyện hiển nhiên.

Phần lớn các giao dịch tiền số hiện tại được thực hiện thông qua các stablecoin, tiêu biểu là USDT. Để mua coin/token khác, nhà đầu tư phải có loại tiền số này. Người tham gia sẽ dùng tiền pháp định (USD, VNĐ, EUR…) để mua USDT. Một USDT có tỷ giá hối đoái tương đương một USD.

Về nguyên tắc, giá của stablecoin là không đổi. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, giá trị của token này sẽ phụ thuộc vào người bán và người mua. Một trong những cách phổ biến nhất để mua bán USDT là thông qua nền tảng P2P. Đây là phương thức giao dịch tiền mã hóa ngang hàng giữa người dùng này với người dùng khác (peer-to-peer).

Hiện giá tỷ giá USDT/VNĐ đã bình ổn trở lại vào tối ngày 5/12. Theo dữ liệu trên nền tảng P2P của sàn Binance, giá Tether đang dao động khoảng 24.000 VNĐ/USDT.

Giá Bitcoin (BTC) liên tục sụt giảm trong ngày 4/12. Đồng tiền số này mất giá đều đặn hàng trăm USD mỗi giờ. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, BTC đã mất 18,85% giá trị trong 24h. Đồng tiền số này đang được giao dịch quanh mốc 49.000 USD/BTC. Coinglass ghi nhận 1,6 tỷ USD các lệnh hợp đồng tương lai bị thanh lý trong ngày 4/12. Đây là mức bán tháo lớn nhất của thị trường từ đầu tháng 9.

Dữ liệu từ Glassnode cũng cho thấy các lệnh bán BTC trị giá 112,4 triệu USD được thực hiện chỉ trong vòng 10 phút.

Theo CoinTelegraph, xu hướng giảm giá của BTC mạnh hơn sau khi xuống mốc dưới 54.000 USD. Đồng thời, khối lượng bán ra đồng của đồng tiền mã hóa này cũng tăng đáng kể. Các nhà đầu tư dường như lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới và đánh giá tiêu cực từ Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ.

Chủ quán net tháo máy, đào coin chờ hết dịch Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Nguyễn Minh Quân (TP Thủ Đức) phải đóng cửa tiệm net, tháo card đồ họa để đào coin, kiếm thêm thu nhập chờ ngày mở lại quán.

An Khang - Xuân Sang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nha-dau-tu-khong-kip-bat-day-bitcoin-vi-gia-usdt-tang-cao-post1281584.html