Nhiều nước lạc quan về triển vọng sớm có vắcxin phòng COVID-19
Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca sẽ có giá từ 5-6 USD trên thị trường bán lẻ, nhưng Chính phủ Ấn Độ sẽ chi trả thấp hơn nhiều do đặt mua với số lượng lớn.
Ngày 20/11, Viện Serum Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, cho biết có thể phân phối vắcxin tới các nhân viên y tế và người lớn tuổi tại Ấn Độ vào tháng 1/2021, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 tại nước này vượt 9 triệu người.
Giám đốc SII Adar Poonawaala cho biết công ty sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh) chừng nào nhà chức trách Anh thông qua và đồng ý phân phối tới người dân.
Vắcxin sẽ có giá từ 5-6 USD trên thị trường bán lẻ, nhưng Chính phủ Ấn Độ sẽ chi trả thấp hơn nhiều do đặt mua với số lượng lớn. Ông Poonawaala cho biết sẽ mất ít nhất 2-3 năm để toàn bộ 1,3 tỷ người dân Ấn Độ có thể được tiêm vắcxin.
Ngoài hợp đồng với công ty dược phẩm AstraZeneca, SII còn hợp đồng sản xuất hàng triệu liều vắcxin đang trong quá trình hợp tác phát triển với Đại học Oxford (Anh), trong khi chờ đợi kết quả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Hiện AstraZeneca cũng đã ký thỏa thuận cung cấp và sản xuất vắcxin với các công ty và chính phủ trên khắp thế giới.
Ngày 19/11 vừa qua, dữ liệu do tạp chí y khoa The Lancet công bố cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở những người lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ có kết quả nghiên cứu giai đoạn cuối vào Giáng sinh này.
Trước đó, hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna (Mỹ) đều đã công bố kết quả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho thấy các vắcxin hiệu quả tới 90%. Ấn Độ cũng đang theo dõi tiến độ phát triển vắcxin của hai công ty này, song nguồn cung vắcxin sẽ là một vấn đề với một nước đông dân như Ấn Độ.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 45.882 ca nhiễm mới và 584 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 9 triệu người, trong đó có 132.162 ca tử vong do COVID-19. Ấn Độ hiện có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với xu hướng lây lan đang chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng Chín.
Cùng ngày, Ukraine bày tỏ hy vọng sẽ nhận được 8 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong nửa đầu năm tới.
Số ca nhiễm mới tại Ukraine bắt đầu tăng lên vào tháng Chín và duy trì ở mức cao kể từ thời điểm đó, buộc chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tuần để khống chế dịch. Lệnh phong tỏa này đồng nghĩa với việc phải đóng cửa hoặc hạn chế phần lớn các doanh nghiệp, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như y tế, thực phẩm và vận tải.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov nhận định nước này đang đối mặt với giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng sẽ không siết chặt các biện pháp hạn chế do các biện pháp mới được áp đặt vào tuần trước sẽ giúp ổn định tình hình.
Ukraine cũng đã tham gia vào Cơ chế Tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), vốn được thiết lập nhằm cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển. Do đó, nước này hy vọng có thể nhận được đủ vắcxin cho 20% dân số, tương đương 8 triệu liều.
Ông cho biết vào ngày 7/12 tới, Ukraine phải ký kết toàn bộ các văn kiện kỹ thuật và hy vọng rằng đến nửa đầu năm 2021, nước này sẽ nhận được vắcxin. Lô vắcxin đầu tiên có thể gồm 1,2 triệu liều và sẽ được ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao nhất.
Giới chức Ukraine cũng đã thảo luận với các tất cả nhà sản xuất và cung cấp vắcxin tiềm năng, cũng như phân bổ ngân sách dành riêng cho việc đặt mua.
Ukraine hiện có tổng cộng 598.085 ca nhiễm, trong đó có 10.598 ca tử vong do COVID-19.
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định phần lớn người dân nước này sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong nửa đầu năm 2021. Ông Sanchez cho biết chính phủ sẽ công bố kế hoạch tiêm chủng cụ thể vào ngày 24/11 tới.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã thành lập ủy ban đặc biệt để quyết định nhóm cư dân nào sẽ được tiêm vắcxin trước, khi nguồn cung đã sẵn sàng./.