Nhiều phụ nữ U50, U60 vẫn kiếm 12 triệu đồng/ngày nhờ làm cô dâu thuê
Mỗi lần làm cô dâu trong cuộc 'hôn nhân 1 ngày', Thiên được trả công 3.600 tệ (12 triệu đồng); Thiên 48 tuổi và trẻ nhất trong đội cô dâu chuyên nghiệp của công ty.
Lễ cưới diễn ra ngày 7/7 tại một ngôi làng ở phía bắc Trung Quốc có đầy đủ "ban bệ" gồm cô dâu, chú rể, bạn bè, người thân, khách mời, MC... Người dẫn chương trình đề nghị mọi người "chúc mừng cặp đôi mới tổ chức lễ cưới long trọng hôm nay và chúc họ hạnh phúc trọn đời”.
Thế nhưng hôn nhân của cặp vợ chồng được chúc hạnh phúc trọn đời đó chỉ kéo dài đúng một ngày, và điều này đã được biết trước.
Theo tạp chí Phoenix Weekly, "hôn nhân một ngày" đang trở thành xu hướng ở các vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Theo phong tục địa phương, những người đàn ông được chôn cất trong khu mộ của tổ tiên phải là người có gia đình. Đó là lý do nhiều người tổ chức "kết hôn 1 ngày" để lấy danh nghĩa là người có vợ.
Người dân ở đây quan niệm, được chôn cất trong khu mộ tổ tiên đồng nghĩa với sự đảm bảo bạn sẽ được "chăm sóc" khi xuống suối vàng. Con cháu trong gia tộc sẽ chăm chút phần mộ và đốt cho họ tiền giấy cũng như các vật dụng cần cho họ ở thế giới bên kia.
Ở một số vùng, những người đàn ông quá nghèo không thể lấy nổi vợ (thường được gọi một cách miệt thị là guanggun hoặc "cành cây trơ trụi") không được phép chôn cất trong khu mộ của gia đình họ hay bước chân vào nhà thờ tổ tiên. Người ta lo sợ họ làm hỏng phong thủy của gia tộc và khiến con cháu các đời sau cũng ế vợ.
Hôn nhân một ngày trở nên phổ biến ở khu vực này từ 5 - 6 năm trước, được coi là một giải pháp thay thế cho các đám cưới ma rất phổ biến một thời, trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong 2 người đã chết.
Bà mối họ Vũ, người điều hành một doanh nghiệp tổ chức dịch vụ hôn nhân trong ngày, cho biết bà có sẵn một số "cô dâu chuyên nghiệp". Phí thuê cô dâu của công ty này là 3.600 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng), phí môi giới là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng).
Công việc của các "cô dâu" là tham dự lễ cưới và cùng "chồng" đến thăm phần mộ tổ tiên của anh ta, một kiểu ra mắt để tổ tiên biết đứa cháu này họ đã kết hôn.
Theo bà mối Vũ, hầu hết các "cô dâu" được thuê là bảo mẫu hoặc nhân viên massage đến từ vùng khác. Người địa phương không muốn nhận công việc này vì sợ mang tiếng.
Thiên, cô dâu giả trong đám cưới hôm 7/7, cho biết chị cần tiền để chu cấp cho chồng và con trai. Người phụ nữ này kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng với tư cách là chủ tiệm massage. Gia đình chị không biết công việc làm thêm này; chị giấu thân phận bằng cách trang điểm rất đậm, đội tóc giả.
Thiên bắt đầu làm cho công ty của Vũ từ năm 2021 khi đã 48 tuổi. Đây là người trẻ nhất trong số các cô dâu dịch vụ của Vũ.
Chú rể trong đám cưới ngày 7/7 gọi cuộc hôn nhân một ngày là "một thỏa thuận" vì anh không cần trả tiền cho lễ vật đính hôn - thường có giá khoảng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 330 triệu đồng) ở tỉnh Hà Bắc này. Trong khi đó, bà mối Vũ cho rằng bà đang giúp đỡ những người nghèo khó: "Không có gì là thật trong đám cưới kiểu này, ngoại trừ tiền".
Trên mạng xã hội Trung Quốc, hôn nhân 1 ngày được coi là phiên bản cực đoan của dịch vụ cho thuê bạn trai hoặc bạn gái, vốn phổ biến trong những người trẻ đang tìm cách giảm bớt áp lực hôn nhân từ cha mẹ.
Một số cư dân mạng cho biết họ sốc trước nỗi ám ảnh của những người đàn ông muốn được chôn cất trong khu mộ của tổ tiên. "Thứ nhất, tôi không hiểu truyền thống không cho người độc thân táng trong khu mộ của tổ tiên. Thứ hai, tại sao bạn lại quan tâm nhiều như vậy đến việc vào đó lúc mình không còn sống?" một người bình luận.