Nhiều quốc gia triển khai biện pháp khẩn ứng phó Covid-19

Cuối tuần qua, Nghị viện Bỉ đã ủng hộ trao quyền lực khẩn cấp cho chính phủ tạm quyền ứng phó cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Trong khi đó, Serbia và Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, Lebanon công bố tình trạng y tế khẩn cấp, Nam Phi ban bố tình trạng thảm họa quốc gia.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Basra, Iraq. (Ảnh: Reuters)

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Basra, Iraq. (Ảnh: Reuters)

NDĐT - Cuối tuần qua, Nghị viện Bỉ đã ủng hộ trao quyền lực khẩn cấp cho chính phủ tạm quyền ứng phó cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Trong khi đó, Serbia và Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, Lebanon công bố tình trạng y tế khẩn cấp, Nam Phi ban bố tình trạng thảm họa quốc gia.

Ngày 15-3, 10 đảng phái tại Nghị viện Bỉ đã nhất trí ủng hộ trao quyền lực khẩn cấp cho chính phủ tạm quyền nhằm triển khai các biện pháp ứng phó dịch Covid-19. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị viện Bỉ sẽ diễn ra vào ngày 19-3 tới và 10 đảng phái của nước này sẽ thông qua chính phủ mới. Sau đó, Chính phủ của Thủ tướng Sophie Wilmes sẽ có quyền hạn triển khai các biện pháp khẩn cấp mà không cần đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện trong tối đa sáu tháng. Thành phần nội các dự kiến sẽ vẫn gồm ba đảng hiện tại, cùng với sự ủng hộ tại Nghị viện của bảy đảng khác.

Chính phủ tạm quyền đã vận hành nước Bỉ trong hơn một năm qua. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 5-2019, Bỉ vẫn chưa thành lập được chính phủ chính thức. Với quyền hạn nhất định, nội các của Thủ tướng Wilmes đã ra lệnh đóng cửa trường học, quán cà-phê, trung tâm thể thao và văn hóa để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng không thể thực hiện những công việc như tiến hành các biện pháp mới về ngân sách để thúc đẩy nền kinh tế đứng thứ sáu trong khu vực Eurozone trong tình hình dịch bệnh.

Trước đó, ngày 14-3, ông Bart De Wever, lãnh đạo đảng trung hữu N-VA, đảng lớn nhất trong vùng Flanders nói tiếng Hà Lan tại Bỉ, đã kêu gọi thành lập chính phủ khẩn cấp trong vòng một năm tập trung vào nhiệm vụ ứng phó diễn biến của dịch Covid-19 và hậu quả do dịch bệnh này gây ra. Tuy nhiên, đảng trung tả Xã hội chủ nghĩa (PS), đảng lớn nhất tại vùng nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ, và một số đảng khác đã nhất trí ủng hộ chính phủ khẩn cấp hoạt động trong vòng sáu tháng.

* Sau cuộc họp với các quan chức y tế và quan chức cấp cao trong chính phủ tại Belgrade, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng. Ông Vucic cho biết, quy định của luật pháp Serbia cho phép ông ban bố tình trạng khẩn cấp ngay cả khi quốc hội đã giải tán.

Tổng thống Serbia cam kết, chính phủ sẽ sớm đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ứng phó dịch bệnh. Ông cho rằng, cuộc chiến chống “kẻ thù vô hình” sẽ tập trung bảo vệ người cao tuổi, đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 rất cao. Ngoài ra, các trường mẫu giáo, trường học và đại học sẽ được đóng cửa cho đến cuối học kỳ.

Từ ngày 16-3, quân đội Serbia sẽ bảo vệ các bệnh viện, trong khi cảnh sát sẽ giám sát những người đang trong thời gian cách ly hoặc tự cách ly từ 14 đến 28 ngày. Những người trốn cách ly có thể bị ngồi tù tối đa ba năm. Trước đó, Serbia đã ban lệnh cấm tụ tập trong nhà và đóng cửa biên giới với các nước có nhiều ca mắc Covid-19.

Sau khi ông Vucic đưa ra phát biểu nêu trên, Thủ tướng Ana Brnabic cũng thông báo sẽ áp đặt biện pháp hạn chế tại biên giới Serbia và quân đội sẽ được huy động đến khu vực này. Tuy nhiên, trên kênh truyền hình nhà nước RTS TV, bà Brnabic khẳng định: “Serbia sẽ mở cửa biên giới cho công dân Serbia, các nhà ngoại giao và những công dân nước ngoài có giấy phép cư trú”.

Nhiều công dân Serbia sống và làm việc tại Liên hiệp châu Âu (EU) đã ồ ạt về nước cuối tuần qua dù ông Vucic đã yêu cầu họ tránh về nước trong thời gian này. Giới chức y tế Serbia xác nhận đã tiến hành xét nghiệm cho 283 người và phát hiện 46 ca mắc Covid-19 trong nước. Dù quốc gia vùng Balkan này chưa có ca tử vong nào do Covid-19 nhưng có hai người bệnh đang trong tình trạng nguy hiểm.

* Slovakia cũng ban bố tình trạng khẩn cấp với mục đích tương tự Serbia. Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng, trừ cửa hàng thực phẩm, dược phẩm, ngân hàng, trạm xăng, văn phòng bưu chính từ 6 giờ sáng 16-3. Ủy ban xử lý khủng hoảng của quốc gia Đông Âu này sẽ nhóm họp vào sáng cùng ngày để thảo luận các biện phép tiếp theo, trong đó có các biện pháp xoa dịu tác động do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế.

“Chúng tôi phải làm mọi việc để tốc độ lây lan của virus không tăng lên”, ông Pellegrini khẳng định trong một cuộc họp báo. Theo ông Pellegrini, rất có khả năng hãng Volkswagen sẽ phải ngừng hoạt động của nhà máy sản xuất xe hơi gần Bratislava trong ngày 16-3 hoặc vài ngày tới do có một ca nghi mắc Covid-19 tại nhà máy này.

Tuần trước, Slovakia đã triển khai các biện pháp kiểm tra tại biên giới, đóng cửa trường học cũng như các trung tâm thể thao, giải trí khác... Đến nay, quốc gia có 5,5 triệu dân này đã ghi nhận 61 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

* Chủ nhật vừa qua, Lebanon đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp, thông báo đóng cửa sân bay và phần lớn các cơ quan nhà nước và công ty tư nhân để kiềm chế dịch Covid-19 lây lan.

Theo Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad, khu vực biên giới, cảng và sân bay của quốc gia Trung Đông này sẽ đóng cửa từ ngày 18 đến 29-3. Người dân Lebanon phải ở trong nhà và chỉ được ra ngoài khi có vấn đề “cực kỳ cần thiết”. Chính phủ quyết định tạm đóng cửa gần như toàn bộ công ty tư nhân và chỉ đặc cách cho ngành dịch vụ và công nghiệp thực phẩm hoạt động.

Trong cuộc họp báo diễn ra sau phiên họp khẩn của nội các nhằm thông qua các biện pháp nêu trên, Thủ tướng Hassan Diab cho rằng, chắc chắn các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước nhưng tính mạng và sức khỏe của người dân còn quý giá hơn.

* Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng ngày đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia và cảnh báo đợt bùng phát Covid-19 có thể gây ra tác động lâu dài đối với nền kinh tế phát triển nhất “lục địa đen”. Theo đó, Nam Phi sẽ cấm các chuyến đi đến và rời khỏi các nước có dịch. “Mọi công dân nước ngoài đã đến các nước có nguy cơ cao về dịch bệnh trong 20 ngày qua sẽ bị từ chối cấp thị thực”, ông Ramaphosa nói. Công dân Nam Phi đã tới các nước có dịch Covid-19 gần đây sẽ được xét nghiệm và cách ly khi về nước. Nam Phi cũng cấm các sự kiện tụ tập hơn 100 người. Hiện, nước này đã ghi nhận 61 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hôm qua, một số quốc gia châu Phi khác đã đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay và áp đặt quy định nghiêm ngặt về nhập cảnh và cách ly. Các biện pháp mới được đưa ra khi Covid-19 đã xuất hiện tại 26 nước châu Phi và số ca bệnh trong khu vực tiếp tục tăng.

H.H

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43627902-nhieu-quoc-gia-trien-khai-bien-phap-khan-ung-pho-covid-19.html