Nhiều 'rào cản' mở rộng ngành invitro số 1 Đông Nam Á

Được nhìn nhận đứng vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á trong ngành công nghệ nhân giống invitro, nhưng thực trạng hiện nay của các cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một cơ sở sản xuất mang tính khoa học, công nghiệp và hiện đại.

Các cơ sở nuôi cấy mô hiện nay đa phần được xây dựng trên đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn mang tính chắp vá, tạm bợ; trang thiết bị kỹ thuật còn rất hạn hẹp, chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

Các cơ sở nuôi cấy mô hiện nay đa phần được xây dựng trên đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn mang tính chắp vá, tạm bợ; trang thiết bị kỹ thuật còn rất hạn hẹp, chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

Từng bước khẳng định vị thế

Những năm gần đây, kỹ thuật nhân cấy mô thực vật (invitro) phát triển khá nhanh ở Lâm Đồng, nhất là tại TP Đà Lạt. Ngành invitro ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn cây giống sạch bệnh cho sản xuất nông nghiệp địa phương từ sự phát triển mạnh nhất của khu vực tư nhân.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện toàn tỉnh có 78 cơ sở nuôi cấy mô, sản xuất giống với gần 500 box cấy. Riêng trong năm 2019, các cơ sở sản xuất giống hoa nuôi cấy mô đã cung cấp cho hoạt động sản xuất 2.800 ha ở địa bàn tỉnh tương đương trên 1 tỷ cây giống các loại. Còn số lượng cây giống nuôi cấy mô mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu cây, đạt doanh thu trên 3 triệu USD, chủ yếu là giống trầu bà, hoa trang trí do Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Trang trại PH, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học F1 và Công ty TNHH Bonie Farm ký kết gia công với các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Với tiềm năng, giá trị kinh tế mang lại vô cùng lớn, sản xuất giống invitro xuất khẩu sẽ là hướng phát triển trong thời gian tới của ngành hoa Lâm Đồng.

Ông Hồ Anh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học F1 (TP Đà Lạt) cho biết, ngành công nghệ sinh học nhất là lĩnh vực nhân giống nuôi cấy mô của Lâm Đồng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua và được các đối tác, khách hàng nước ngoài đánh giá có vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng hằng năm phải nhập khẩu giống để sản xuất, bởi trong nước không chủ động nguồn giống mới và một số giống đã bị thoái hóa, bị nhiễm bệnh trong khi quy trình nhập khẩu giống mới rất phức tạp, tốn thời gian và tiền bạc. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, từ năm 2017 đến 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhập khẩu một số giống mới khảo nghiệm để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là giống khảo nghiệm, không thể nhập số lượng lớn sản xuất, điều này đã khiến nông dân, doanh nghiệp trồng hoa dễ rơi vào tình cảnh “đói” giống mới có bản quyền.

Chính vì vậy, sự phát triển bùng nổ, lớn mạnh của ngành invitro không chỉ hoàn thành vai trò cung cấp nguồn cây giống chất lượng, có khả năng kháng bệnh cao phục vụ nhu cầu về giống cho nông dân trong tỉnh mà còn đẩy mạnh sang xuất khẩu.

Cần có cơ chế đặc thù riêng

Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định: Mặc dù, được đánh giá đứng vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nhìn chung các cơ sở nuôi cấy mô thực vật tại TP Đà Lạt, kể cả khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân đang bộc lộ rất nhiều hạn chế nhất định. Các đối tác nước ngoài khi đến làm việc, đặt vấn đề xuất khẩu với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân giống invitro xuất khẩu rất e ngại trước quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn mang tính chắp vá, tạm bợ; trang thiết bị kỹ thuật còn rất hạn hẹp, chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Đặc biệt, tính rủi ro bởi các yếu tố thiên tai gây ra là rất cao.

Chính vì vậy, để ổn định sản xuất, tăng cường xuất khẩu cho ngành hoa, bên cạnh việc tháo gỡ cho doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu giống mới cũng như khó khăn của dự án nhập khẩu giống khảo nghiệm đối với những giống đã khảo nghiệm thành công để Hiệp hội đề nghị được nhập số lượng lớn, không phụ thuộc vào dự án nhập khảo nghiệm.

Hiệp hội Hoa Đà Lạt cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành hoa phát triển theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng.

Trong đó, xem xét các đề xuất của Hiệp hội để các cơ sở nuôi cấy mô, các công ty, cơ sở sản xuất giống invitro xuất khẩu mở rộng sản xuất. Cần có cơ chế thông thoáng để chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dụng để xây dựng các phòng lab nuôi cấy mô. Bỏ bớt một số quy định trong dự án đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng xây dựng thêm các phòng lab mở rộng sản xuất cũng như có các gói hỗ trợ vốn sản xuất cho các công ty, cơ sở trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, công nghệ sinh học, nuôi cấy mô là mũi nhọn trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau hoa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là một số cơ sở, doanh nghiệp đang triển khai xây dựng các trung tâm, phòng nuôi cấy mô trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc đầu tư đang dừng lại ở mức quy mô nhỏ, tạm bợ, dưới dạng nhà tiền chế, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của một cơ sở sản xuất mang tính khoa học, công nghiệp và hiện đại, nhất là yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Mặc dù Lâm Đồng luôn chú trọng đầu tư nguồn lực thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng để triển khai và hoàn thiện các quy trình sản xuất giống invitro, chuyển giao áp dụng vào đời sống sản xuất; song vấn đề quỹ đất sạch để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, mở rộng sản xuất đang là một rào cản, đòi hỏi cần có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng trong thời gian tới.

THANH SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202005/nhieu-rao-can-mo-rong-nganh-invitro-so-1-dong-nam-a-3003253/