Nhiều rủi ro khi Colombia muốn phun hóa chất để ngăn chặn cocaine
Trong cuộc chiến chống ma túy hiện nay, Chính phủ Colombia tuyên bố việc phun hóa chất glyphosate diệt trừ cây coca - thành phần chính của cocaine, có thể được thực hiện một cách an toàn, nhưng vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về sức khỏe và tính không hiệu quả của việc làm này.
Tổng thống Colombia Ivan Duque (nhiệm kỳ 2018-2022) hiện đang thúc đẩy một phiên điều trần trước cơ quan cấp phép môi trường của Colombia, để xin phép tái khởi động việc sử dụng hóa chất glyphosate. Chính phủ của Tổng thống Duque cho rằng việc tiêu diệt tận gốc cây coca sẽ hạn chế nạn buôn bán và bạo lực của các băng đảng ma túy, vốn đã gây ra 7 vụ thảm sát hồi tháng 8-2020 khiến 36 người thiệt mạng, trong đó có một số trẻ em.
“Cocaine là nguồn thu chính của các nhóm tội phạm đứng đằng sau những vụ thảm sát gần đây”, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Carlos Holmes Trujillo cho biết hôm 24-8 và nói thêm rằng, đình chỉ việc phun glyphosate là một “sai lầm nghiêm trọng”.
Làn sương mù độc hại
Jose David Hernandez, một nông dân ở vùng nông thôn Antioquia, người đã trồng coca cho đến năm 2018 đã trải qua những vụ phun hóa chất năm 2003 và 2004. Khi đó, thuốc diệt cỏ rơi trên cánh đồng như một làn sương mù độc hại và gây kích ứng đến nỗi da của người dân bắt đầu chảy máu. Đến nay, trên người ông Hernandez vẫn còn những đốm trắng là nơi đã bôi thuốc mỡ để cố gắng chữa lành vết thương.
Trong khi đó, trên thế giới vẫn diễn ra tranh luận khoa học về sự nguy hiểm của glyphosate. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng glyphosate có liên hệ với bệnh ung thư, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ lại kết luật rằng không có nguy cơ gây lo ngại cho sức khỏe con người khi glyphosate được sử dụng theo đúng hướng dẫn.
Monsanto, công ty sản xuất glyphosate của Mỹ, khuyến cáo người dùng nên đeo thiết bị bảo vệ cá nhân. Nhưng ở Colombia, thuốc diệt cỏ thường được phun trên một diện tích đất rộng lớn mà không có cảnh báo cho người lao động trên cánh đồng, bao gồm cả nông dân chăm sóc cây coca hoặc những người khác trồng cây hợp pháp gần đó.
Không chỉ vậy, việc sử dụng hóa chất glyphosate còn có thể đe dọa đời sống thực vật mỏng manh ở một quốc gia được coi là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên hành tinh. Vào năm 2008, Ecuador đã kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế cáo buộc việc Colombia phun thuốc gần biên giới chung làm tổn hại đến môi trường tự nhiên của chính họ. Tòa án đứng về phía Ecuador.
Hành động mạo hiểm
Toby Muse, một chuyên gia về cocain cho rằng, phun hóa chất để phá hủy cây coca là một phản ứng không hiệu quả: “Tốt nhất là làm việc với những người nông dân trồng coca để có giải pháp thay thế, đảm bảo cuộc sống cho họ”.
Năm 2016, hàng nghìn nông dân Colombia đã đổi cây coca lấy cà phê, ca cao và các cây trồng khác. Nông dân Hernandez cho biết: “Diệt trừ bằng cách thay thế hiệu quả hơn nhiều; khi bạn phun thuốc diệt cỏ, 70 đến 80% diện tích tương tự sẽ lại trồng lại coca trong cùng một năm”. Ông Hernandez giải thích, từ kinh nghiệm của chính mình, ông thấy rằng nếu quân đội phun thuốc vào cánh đồng đang trồng coca, điều đầu tiên mà người nông dân sẽ làm là bắt đầu trồng lại, vì họ không biết làm gì khác.
Ông Rafael Guarin, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Duque cho hay, chính phủ đã cam kết rằng các hoạt động phun hóa chất trên không trong tương lai sẽ không diễn ra tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia và chỉ hoạt động trong phạm vi các thông số do cơ quan cấp phép môi trường đặt ra. “Nếu chính phủ làm theo cách của mình, việc phun thuốc có thể tái khởi động trước cuối năm nay, điều đó sẽ chỉ khiến nhà nước và nông dân đối đầu ngày càng nhiều hơn”, ông Hernandez cảnh báo.