Nhiều tỉnh miền Trung phát công điện khẩn ứng phó bão số 9
UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng đã ra công điện về việc chủ động ứng phó bão số 9 (tên quốc tế là Molave) và tình hình mưa lũ.
Chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công điện về việc chủ động ứng phó bão số 9 và tình hình mưa lũ.
Theo dự báo, 1h sáng 28/10, vị trí tâm cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam-Phú Yên khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Để ứng phó bão số 9, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, hoàn thành trước 18h ngày 27/10.
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị, xã, thành phố quán triệt và triển khai phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đến từng xã, thôn, xóm để ứng phó với cơn bão số 9.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp bắt đầu từ ngày 27/10, để tập trung cho công tác chỉ đạo phòng, chống bão số 9.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ động Biên phòng tỉnh và các địa phương phải kêu gọi tất cả ngư dân hiện nay đang còn trong vùng nguy hiểm về nơi trú bão an toàn.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án di dời dân ở các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn ở cơn bão số 9, đặc biệt là vùng ven biển, không để người dân bị ảnh hướng đến tính mạng khi bão đổ bộ.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, lúc 9h30 ngày 26/10, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 275 tàu với 3.823 lao động.
Đà Nẵng khẩn trương sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
UBND TP Đà Nẵng phát công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển sẵn sàng triển khai phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
Tổ chức kiên cố, chằng chống nhà cửa, mái nhà, chằng chống cây xanh theo phân cấp quản lý. Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết.