Nhiều trẻ mắc cúm A, tăng số ca biến chứng

Hai tuần trở lại đây, trẻ em nhập viện do mắc cúm A gia tăng. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình có khoảng 50-70 ca mắc cúm A điều trị nội trú, chiếm 1/2-1/3 số trẻ điều trị tại Trung tâm. Đặc biệt, tại đây ghi nhận nhiều ca biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, phải thở oxy, có ca suy hô hấp phải thở máy.

Thời tiết thay đổi, nhiệt độ nắng ấm, sau đó giảm sâu, rét đậm, rét hại khiến cho virus và vi khuẩn có cơ hội phát triển. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều trẻ cúm A biến chứng nặng. Theo chị Nguyễn Thị Mơ (Hà Tĩnh), con gái chị vốn có bệnh viêm da cơ địa, nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện tỉnh, cháu bị lây chéo cúm A. Chỉ sau một đêm sốt cao, bệnh tình của cháu tăng nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây cháu được chẩn đoán mắc cúm A biến chứng nặng trên nền viêm da cơ địa, nhiễm trùng huyết.

Nhiều trẻ sốt cao được cha mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám.

Nhiều trẻ sốt cao được cha mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám.

Nằm ngay giường bên cạnh là bệnh nhi 2 tuổi sau khi sốt cao, gia đình chỉ nghĩ con bị viêm phế quản nên cho đi khám ở bệnh viện tuyến dưới. Tới khi con có hiện tượng ho nhiều, thở khò khè, gia đình mới đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương thì cháu bé đã viêm phổi do biến chứng của cúm A và phải thở oxy.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ em, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy. Tại đây cũng đã điều trị cho bệnh nhi viêm não do biến chứng của cúm A.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Vì vậy, thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều ổ cúm A trong trường học do học sinh lây nhau. Các bệnh viện của Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều ca cúm A đến khám khi bệnh nhi sốt cao, ho nhiều, khó thở…

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, với trẻ không có bệnh nền, hoặc không có các bội nhiễm vi khuẩn khác kèm theo, thông thường các triệu chứng cúm A sẽ giảm sau khoảng 3 ngày, sau 5 ngày sẽ hồi phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ một số ít trường hợp có cơ địa bệnh nền sẽ tăng nặng lên khi mắc cúm. Hoặc trẻ mắc cúm nhưng có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do bội nhiễm vi khuẩn, hoặc một số trường hợp tổn thương thần kinh trung ương như viêm não thì sẽ tăng nặng.

Triệu chứng của cúm A rất khó phân biệt với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Để nhận biết trẻ có phải mắc cúm A hay không, theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ thấy các dấu hiệu sau phải test cúm cho con: Đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Theo BS Nguyễn Văn Lâm, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, viêm cơ tim, gia tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. BS Lâm cũng lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đau chi, tay chân lạnh; li bì, mệt mỏi, phải đưa trẻ đến bệnh viện…

Miền Bắc đang bước vào mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất, bù đủ nước; giữ ấm cơ thể… “Phụ huynh cần lưu ý tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo lá chắn bảo vệ trẻ khỏi cúm A, B cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường”, BS Lâm khuyến cáo.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nhieu-tre-mac-cum-a-tang-so-ca-bien-chung-i718876/