Nhiều trẻ nhỏ trở thành 'nô lệ'của thiết bị điện tử thông minh

Trong thời đại của sự bùng nổ công nghệ với nhiều ứng dụng mới ra đời nhằm phục vụ tốt hơn cuộc sống con người, những thiết bị công nghệ điện tử thông minh, tiện ích không chỉ là đồ vật không thể thiếu của người lớn mà còn trở thành những món đồ chơi có sức hút đối với trẻ em. Thế nhưng việc để trẻ lạm dụng chơi đồ công nghệ thì sẽ mang tới những hệ lụy như thế nào...

Trẻ nghiện đồ điện tử

Chị Nguyễn Thị Huyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây hai con của chị đã quá quen với việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng, dù đã tìm nhiều cách thế nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Nguyên do là các con của chị được nghỉ dịch từ nhiều tháng trước đó, khi các cháu nghỉ ở nhà vợ chồng chị Huyền vẫn phải đi làm, nên để các con đỡ “chí chóe”, chị thường xuyên cho các bé sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng. “Tôi biết, việc cho trẻ sử dụng các thiết bị thông minh thường xuyên là không tốt, nhưng không thể làm khác được. Do tính chất công việc nên tôi không thể thường xuyên ở nhà quản các con, nếu các con tôi không có iPhone, iPad để làm bạn thì các bé sẽ “mè nheo” suốt ngày, tôi không thể hoàn thành công việc được giao. Giờ khi các cháu đã đi học trở lại nhưng thói quen này thì vẫn duy trì, khiến các cháu rất chểnh mảng trong việc học tập, tới giờ tôi thực sự hết sức lo lắng”, chị Huyền nói.

Anh Lê Văn Lam (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh vừa phải tịch thu chiếc iPhone của trai khi phát hiện con thường chơi game online đến tận 2 giờ sáng. “Nghe con nói là phải học qua internet, phải trao đổi bài vở với bạn bè nên tôi mới cho dùng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi thấy cháu học thì ít mà chơi thì nhiều, thường xuyên chăm chú vào điện thoại, người lúc nào cũng mệt mỏi do thiếu ngủ nên tôi quyết định không cho con sử dụng điện thoại nữa”, anh Lam chia sẻ.

Hiện nay, nhiều vợ chồng trẻ bây giờ cũng có quan niệm “quản lý” con bằng smartphone. Muốn trẻ ăn hết bát cơm, có bà mẹ đã lấy các trò chơi, hình ảnh sinh động trên điện thoại làm mồi nhử để con vừa ăn, vừa xem. Muốn con trẻ tham gia làm chút ít việc nhà, có ông bố dỗ ngon, dỗ ngọt làm xong việc thì bố sẽ cho mượn điện thoại chơi games. Khi đứa trẻ ngại học, có bố mẹ treo thưởng bằng cách, làm bài tập xong sẽ được giải trí, xem phim trên điện thoại. Thậm chí, có người cấm con đi chơi đây đó cũng bằng cách cho chúng làm bạn với điện thoại, máy tính bảng.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, trẻ em đang quá lệ thuộc vào điện thoại, máy tính bảng thậm chí tỏ ra sợ hãi nếu bị buộc phải rời xa những thiết bị đó. Ảnh: N. Đăng

Nhiều nghiên cứu cho rằng, trẻ em đang quá lệ thuộc vào điện thoại, máy tính bảng thậm chí tỏ ra sợ hãi nếu bị buộc phải rời xa những thiết bị đó. Ảnh: N. Đăng

Giúp trẻ dần từ bỏ thói quen nghiện thiết bị thông minh

Đối với các học sinh, việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ khiến mức độ tập trung vào bài giảng của các em giảm sút. Bà Phan Kim Anh (Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội) chia sẻ: “Để hạn chế việc học sinh sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, nhà trường đã thực hiện việc cấm học sinh sử dụng điện thoại, cũng như các thiết bị điện tử thông minh khác trong các giờ học trên lớp. Tuy nhiên, do sự tiện lợi của các thiết bị điện tử thông minh trong việc liên lạc và bổ sung thêm kiến thức cho học sinh, nhất là liên quan tới việc học online, việc cách ly hoàn toàn các em với thiết bị thông minh là điều không thể. Nhưng với sự phối hợp của nhà trường với phụ huynh học sinh thì việc kiểm soát thời lượng sử dụng, tạo thói quen sử dụng thiết bị điện tử thông minh theo giờ là điều góp phần giúp trẻ không bị lệ thuộc vào các thiết bị này”.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Mai (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa) đã nhiều lần cảnh báo rằng, nếu để trẻ em tiếp xúc và say sưa với điện thoại, máy tính bảng từ sớm, sẽ kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó đáng nói nhất là làm cho đứa trẻ dễ thụ động, ít giao lưu tiếp xúc với thực tế nên hạn chế về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội; đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về sức khỏe tâm lý, thể chất.

Bà Mai nhận định, mạng xã hội ngày nay khiến trẻ em không muốn phải rời chiếc điện thoại, máy tính bảng của mình và gọi đây là hội chứng “sợ mất tích”, lo sợ bị bỏ rơi.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-tre-nho-tro-thanh-no-lecua-thiet-bi-dien-tu-thong-minh-212196.html