Nhiều trợ lực cho chứng khoán
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự chuyển hướng của chính sách tiền tệ sang nới lỏng dần sẽ tạo dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Rủi ro về thanh khoản trên thị trường tài chính - tiền tệ được giải tỏa trong ngắn hạn.
Tín hiệu tích cực từ đảo chiều chính sách
Theo khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2023, nhưng sẽ nhanh chóng quay trở lại đà tăng trưởng ngay từ quý I/2024. Trong khi đó, sự phục hồi của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2024. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu sẽ giúp xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 trước khi tăng tốc vào năm 2024.
Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược, Maybank Investment Bank kỳ vọng, với những con số vĩ mô có phần mờ nhạt trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ sẽ đẩy nhanh các chính sách, biện pháp để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm. Cân nhắc các yếu tố liên quan, MSVN dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ U với đà tăng đáng kể từ đầu năm 2024. Dự báo, lãi suất cho vay sẽ giảm xuống mức bình thường từ cuối quý III và đầu tư công sẽ tăng tốc nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 của Chính phủ là 6 - 6,5%.
Dựa trên kết quả vĩ mô nửa đầu năm và tổng hợp quan điểm của các nhà kinh tế, kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2023 nhưng có thể chỉ đạt khoảng 5,7% cho cả năm trong trường hợp tốt nhất và tăng tốc lên khoảng 6,5 - 7% vào năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt kỳ vọng, nửa sau năm 2023, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế. Những trục trặc của thị trường bất động sản sẽ chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ sẽ giúp niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cải thiện.
Trong quý III/2023, nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu phục hồi tích cực hơn từ các hoạt động kinh tế; tuy nhiên, Rồng Việt không cho rằng có sự cải thiện đáng kể ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng do mức nền cao của cùng kỳ năm trước. Quý IV/2023 được kỳ vọng là quý tăng trưởng tốt nhất trong năm nay.
Trong kịch bản cơ sở, Rồng Việt dự phóng tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023 đạt 5,6%, cao hơn mức tăng trưởng của nửa đầu năm. Tăng trưởng cả năm 2023 ước đạt 4,7%. Trong bối cảnh động lực tiêu dùng còn yếu và cung tiền tăng thấp, lạm phát năm 2023 ước đạt 3,0%, năm 2024 sẽ tăng lên 4,0% khi cầu tiêu dùng hồi phục.
Điều tồi tệ nhất với thị trường bất động sản đã qua
Trong số những trở ngại hiện nay, khủng hoảng bất động sản là trở ngại lớn nhất cho con đường phục hồi của kinh tế Việt Nam hậu Covid.
Quá trình cấp phép dự án bị trì hoãn quá lâu do các nút thắt pháp lý, thị trường trái phiếu bị thắt chặt đột ngột vào năm 2022, lãi suất tăng mạnh vào tháng 9 - 10/2022 (để bảo vệ đồng Việt Nam), đã gây ra khủng hoảng thanh khoản của nhiều nhà phát triển bất động sản từ cuối năm 2022. Điều này tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế khi tăng trưởng GDP trong quý I và quý II/2023 lần lượt giảm xuống 3,32% và 4,14%, gần bằng mức của thời kỳ phong tỏa do Covid-19 và chỉ tương đương một nửa mục tiêu 6,5% cả năm.
Tuy nhiên, sự đảo chiều chính sách tích cực giúp giảm bớt đáng kể rủi ro suy thoái cơ cấu liên quan đến những bất ổn của thị trường bất động sản. Theo ông Hoàng Huy, khi vấn đề thanh khoản được giải quyết, điều tồi tệ nhất đối với thị trường bất động sản đã qua.
Có ba yếu tố đang tạo tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Thứ nhất, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2 - 2,5%/năm từ mức đỉnh 13 - 15%/năm và có khả năng sẽ giảm thêm 1 - 1,5%, giúp cải thiện khả năng chi trả của người mua nhà. MSVN dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong 3 tháng tới để giúp lãi suất cho vay giảm nhiều hơn.
Thứ hai, phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ nâng cao triển vọng thu nhập và qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, MSVN kỳ vọng việc bàn giao nhà từ các dự án mới hoạt động trở lại trong những tháng tới sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường lạc quan hơn.
Thanh khoản hỗ trợ điểm số
Rồng Việt nhận định, bức tranh thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 sẽ nằm “giữa hai vùng sáng tối”. Cụ thể, định giá thị trường đã có sự phân hóa sau đợt phục hồi trong nửa đầu năm. Sự chuyển hướng của chính sách tiền tệ sang nới lỏng dần sẽ tạo dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Rủi ro về thanh khoản trên thị trường tài chính - tiền tệ được giải tỏa trong ngắn hạn. Thiếu sự “nhiệt tình” của dòng tiền “chuyên nghiệp” trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và hoạt động doanh nghiệp chưa khả quan.
“Trong kịch bản cơ sở, gồm (1) Mức PE hợp lý từ 14,9 - 16,1 lần, (2) Tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dao động từ 0-10%, và (3) Giá trị khớp lệnh bình quân sàn HOSE ở mức 13.300 - 20.000 tỷ đồng/phiên, chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.055 - 1.251 điểm”, bà Phương Lam nhận định.
Rồng Việt kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình đầu ngành, có mức định giá đang hợp lý, sẽ là những cổ phiếu dẫn dắt. Bên cạnh đó, với kỳ vọng câu chuyện đầu tư công đã, đang và sẽ được đẩy mạnh, tiêu dùng phục hồi từ quý IV/2023 thì cổ phiếu thuộc các nhóm ngành liên quan cũng sẽ giao dịch sôi động. Ngoài ra, những ngành có câu chuyện hấp dẫn có thể là ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ, hàng không.
Còn theo ông Hoàng Huy, đà tăng trưởng của thị trường sẽ được hỗ trợ bởi thanh khoản mạnh (nhờ lãi suất giảm) và thu nhập doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn từ quý IV/2023. MSVN vẫn ưu tiên các lĩnh vực: tài chính, bất động sản nhà ở, năng lượng, bán lẻ, logistics và công nghệ thông tin, những lĩnh vực có chu kỳ tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự đảo chiều chính sách.
Trên thực tế, thanh khoản cải thiện nhờ lãi suất giảm đã hỗ trợ thị trường hồi phục thời gian qua. Dự báo sẽ có một số biến động trong ngắn hạn khi thị trường tiếp thu phân tích về triển vọng phục hồi vĩ mô. Tuy nhiên, MSVN tin rằng, động lực tăng trưởng sẽ duy trì do tốc độ tăng trưởng thu nhập tăng nhanh từ quý cuối năm nay, khi nền kinh tế đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng chậm lại sang giai đoạn phục hồi ban đầu.
Ông Huy nhận định, các ngành mang tính chu kỳ như tài chính (VCB, MBB, TCB, STB, VND, SSI), nhà phát triển nhà ở (KDH, NLG) và logistics (GMD, ACV) có khả năng vượt trội hơn. Bên cạnh đó, có sự ưa thích ngành năng lượng (PVS, GAS) nhờ chính sách thúc đẩy các dự án dầu khí lớn và năng lượng tái tạo và ngành công nghệ thông tin (FPT) nhờ khả năng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận. Nhóm hàng tiêu dùng (MWG, PNJ) cũng đang cho thấy những cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư dài hạn (với thời hạn 2-3 năm) mua/thêm vào.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-tro-luc-cho-chung-khoan-post327094.html