Nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Trong thời gian qua, các sở, ngành chức năng của Đồng Nai đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX trong tỉnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ…, cũng như tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn để góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế…

Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Trần Nguyên Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nước đóng chai của mình. Ảnh: H.Quân

Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Trần Nguyên Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nước đóng chai của mình. Ảnh: H.Quân

* Hỗ trợ mạnh về sở hữu trí tuệ

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai chương trình khoa học - công nghệ nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020.

Theo Sở KH-CN, trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh có 192 đơn vị được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã tiếp nhận đăng ký của hơn 30 đơn vị tham gia chương trình. Hiện các đơn vị đăng ký đang trong giai đoạn chờ khảo sát, hướng dẫn điều chỉnh các thông tin đăng ký và bổ sung thông tin theo yêu cầu của chương trình để được lập các thủ tục hỗ trợ.

Trong đó, tập trung hướng dẫn và hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích... cho các DN trong tỉnh.

Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH-CN), tiêu chí để được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là DN, đơn vị sản xuất trong nước phải có các sản phẩm nằm trong lợi thế cạnh tranh của tỉnh, ưu tiên các DN nhỏ và vừa. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là bước đầu tiên của DN trong quá trình tạo dựng tên tuổi, thương hiệu riêng để thị trường nhận diện.

Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các DN, HTX có mong muốn hoàn thiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm của địa phương, triển khai thêm các chương trình hỗ trợ, tập huấn về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương…

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Đồng Nai cũng đang tập trung phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, hình thành, phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “4 có”: có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao.

Hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm gắn với việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có các giải pháp hướng tới xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.

* Phải bắt nguồn từ ý thức DN

Lựa chọn khởi nghiệp từ hoạt động sản xuất nước uống đóng chai, ngay từ lúc mới thành lập cách đây 5 năm, anh Trần Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Trần Nguyên Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã phát triển nhãn hiệu nước uống đóng chai Solar, chủ động đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu này.

“Khi công ty muốn thay đổi logo cho phù hợp hơn với chiến lược phát triển của mình, công ty cũng đã nộp đơn để xin chuyển đổi nhãn hiệu bởi việc này rất cần thiết, nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của công ty” - anh Long chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld (H.Thống Nhất) cho hay, công ty đã chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nấm mèo của công ty được khoảng hơn 10 năm nay. Đây là vấn đề quan trọng, góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hiện nay, để hàng hóa được công nhận nhãn hiệu, được bảo hộ các quyền lợi thì còn phụ thuộc vào thời gian đăng ký thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam rà soát, thẩm định. “Nếu DN không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sớm thì có thể không còn tên nhãn hàng, thương hiệu mong muốn do kho dữ liệu đăng ký đã đầy, nguy cơ bị trùng tên là rất cao” - ông Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Tỉnh cho biết thêm, đối với nhiều DN lớn, các công ty đa quốc gia, phần lớn sản phẩm của họ đã được đăng ký nhãn hàng hóa. Các công ty này cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong hoạt động nhận diện, bảo vệ thương hiệu nên trong quá trình kiểm tra dễ phát hiện những sai phạm, dấu hiệu về hàng giả, hàng nhái thương hiệu.

Còn đối với DN nhỏ, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ít được quan tâm hơn. Trên thực tế, những sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, sẽ không dễ phát hiện, xử lý được đối tượng làm giả và khi xảy ra sự cố, đối tượng thiệt hại chính là DN.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202005/nhieu-tro-luc-cho-doanh-nghiep-hop-tac-xa-3001905/