Nhiều trường đại học thống kê trên 80% sinh viên có việc làm: Khó kiểm định?
Theo thống kê của các trường đại học về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng đến 1 năm tương đối cao, từ khoảng 80-95% tùy từng cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả thống kê này, đây là bài toán đang được Bộ GD-ĐT đặt ra.
Chiều 15/3, Hội thảo tập huấn với chủ đề “Nghiên cứu xây dựng Cổng thông tin việc làm quốc gia dành cho sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Dự án “Giám sát xu hướng tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam” – MOTIVE do Ủy ban Châu Âu tài trợ đã chính thức được khai mạc tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam và kết hợp trực tuyến với các điểm cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng Dự án là mô hình rất thiết thực giúp tạo điều kiện khảo sát và nắm bắt rõ về tình hình việc làm của sinh viên. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vinh dự trở thành một trong những thành viên chính thức của Dự án. Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo Dự án, xây dựng kế hoạch và lộ trình chi tiết, triển khai và giao nhiệm vụ cho từng tiểu ban, song song phối hợp với các đơn vị chức năng trong nhà trường để tối ưu hóa các nguồn lực, nhằm đạt được hai mục tiêu chính là hỗ trợ, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội và các trường thành viên sau khi tốt nghiệp; hai là đồng hành với các trường thành viên Dự án đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng Cổng Thông tin việc làm quốc gia dành cho sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam.
Tham luận tại hội thảo, ông Bùi Tiến Dũng Chuyên viên Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên cho rằng, một cơ sở đào tạo tốt thì cần phải có những sản phẩm đầu ra tốt, đó chính là các sinh viên phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng. Trước mắt bảo đảm mọi sinh viên ra trường phải có được việc làm, sau đó sẽ đề cập đến vấn đề việc làm đúng ngành, nghề đào tạo và có thu nhập cao và cuối cùng là chất lượng của sinh viên phản ánh qua hiệu quả công việc thông qua 3 trụ cột là kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Chính vì vậy số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp là rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo, đây là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo; Phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, sẽ thu hút được học sinh phổ thông đăng ký vào học tại trường. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, là cơ sở để nhà nước giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó việc sinh viên có được việc làm sau tốt nghiệp cũng là một chỉ số quan trọng tác động lên chỉ số việc làm chung của cả nước, đó cũng chính là một thước đo quan trọng của nền kinh tế.
Theo ông Bùi Tiến Dũng, thống kê của các trường về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng đến 1 năm tương đối cao, từ khoảng 80-95% tùy từng cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả thống kê này, đây là bài toán đang được Bộ GD-ĐT đặt ra.
“Bên cạnh công tác thống kê, chuyển đổi số thế nào để các trường có dữ liệu, theo sát sinh viên từ khi tốt nghiệp đến khi thành công là rất quan trọng. Khi thống kê về tình trạng việc làm, các trường cũng cần tính đến phương án hỗ trợ sinh viên, để các em hào hứng tham gia khảo sát. Vậy các em được gì khi khảo sát về việc làm? Hiện nay trong quá trình khảo sát thông tin, nắm bắt được tình trạng một số em vẫn chưa có việc làm, các trường có thể tư vấn xem sinh viên đang thiếu những kỹ năng gì, hỗ trợ các em cho đến khi tìm được việc làm”, ông Dũng nói.
Nói về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm tăng tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, ông Bùi Tiến Dũng cho rằng, hiện nay có nhiều sinh viên gặp phải tình trạng học một ngành nhưng khi đi làm một ngành khác, các em lại chưa kịp thích ứng. Trong chiến lược của các trường, học phần kỹ năng mềm đã bắt đầu được đưa vào tương đối nhiều, song lại vướng mắc ở chỗ các trường không biết phải chọn kỹ năng nào để dạy cho sinh viên.
“Chúng ta có một số kỹ năng thiết yếu cần đưa vào giảng dạy cho tất cả các ngành nghề như kỹ năng về đổi mới sáng tạo, tư duy thiết kế… Bên cạnh đó một số trường hiện nay đang hướng đến xu hướng đào tạo đa ngành trong đơn ngành. Sinh viên học về kỹ thuật vẫn cần kiến thức về kinh tế, pháp luật, văn hóa. Một số nhà tuyển dụng của các công ty nước ngoài tại Việt Nam có phàn nàn về việc khi phỏng vấn hỏi đến văn hóa dân tộc thì sinh viên lại rất yếu, điều này khiến nhiều em bị loại ngay từ vòng loại vì không hiểu về chính đất nước mình. Do đó, xu hướng hiện nay các trường đại học cần hướng đến đẩy mạnh trang bị kỹ năng mềm, đào tạo đa ngành trong đơn ngành cho sinh viên”, ông Dũng nói./.