Nhiều tuyến đê ở Bắc Giang đang ngày đêm 'oằn lưng' cõng xe tải 40 tấn
Cần xử lý hình sự đối với tình trạng xe quá tải 'cày nát' mặt đê không chỉ ở tỉnh Bắc Giang mà còn ở nhiều địa phương có đê trên cả nước hiện nay.
Kiên quyết đóng cửa bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài quy hoạch; tiếp tục xây dựng các trụ bê tông, biển báo để cấm xe ô tô trọng tải hơn 12 tấn. Đây là những biện pháp của chính quyền tỉnh Bắc Giang đang triển khai để xử lý các hành vi ; quản lý xe quá tải vận chuyển vật liệu hoạt động trên các tuyến đê.
Bong tróc, mặt đê bị vỡ nát, sụt lún trên nhiều tuyến đê sông là hậu quả để lại do xe quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đê thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hệ lụy này không chỉ gây mất an toàn các tuyến đê bảo vệ an toàn cho người dân mùa mưa bão mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân sinh sống ven đê.
“Xe quá tải đi trên đê làm lún hỏng mặt đê, lúc mưa gió đường bị hỏng người dân đi lại rất vất vả, gặp tai nạn. Theo tôi phải xử lý nghiêm tình trạnh này, không để xe quá tải đi trên đê. Dân ở đây khổ lắm, dọc dãy đường này nhà nào cũng bụi. Từ ngày cấm các bến bãi hoạt động không bị bụi nữa. Họ xây trụ ở đây ngăn xe quá tải là rất tốt nhưng việc phá các trụ này phải điều tra xem đối tượng nào phải bỏ tù vì phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá tải đi là không an toàn, lún hỏng hết cả mặt đê. Không cấm thì nó mới đi lại, chứ giờ cấm rồi thì nó không đi nữa.”, một người dân ở Việt Yên nói.
Đó không chỉ là bức xúc của người dân sinh sống ven nhiều tuyến đê ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên mà còn là trăn trở của chính quyền địa phương trong xử lý xe quá tải trọng đi trên đê. “Con sâu bỏ rầu nồi canh” là hình ảnh ví von của ông Tạ Đình Tôn, ở thôn Phù Tài, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên phản ánh về việc xe quá tải trọng hoạt động trên đê khiến cơ sở trung chuyển vật liệu xây dựng không phép của ông vừa bị cấm hoạt động.
Ông Tạ Đình Tôn cho biết: “Đợt vừa rồi cẩu cát như thế nào xe ở đâu về toàn xe 30 đến 40 khối tương đương 35 tấn đến 40 tấn. Vừa rồi chưa có ụ bê tông ở những bến kia chạy về xe 30 khối đến 40 khối cát trọng tải lên đến 45 đến 60 tấn làm hỏng đường đê bê tông vừa mới làm này. Cơ sở có 2 tàu về nhưng do đang trong thời gian bị cấm hoạt động nên phải nhờ bãi trên ở huyện khác để chuyển hàng”.
Theo Thông tư 54 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê, đoạn đê được cứng hóa, rải nhựa cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn, và đoạn đê chưa được cứng hóa, rải nhựa cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 10 tấn.
Thế nhưng tình trạng xe chở vật liệu xây dựng tại các bãi tập kết vật liệu trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thường xuyên có trọng tải lớn hơn 12 tấn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng mặt đê. Nhiều đoạn đê được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005 nhưng đến nay đã phải liên tục gia cố, tu sửa xây dựng lại vì mặt đê hư hỏng, vỡ nát.
Thậm chí, có những đoạn đê mới được đầu tư, sửa chữa chưa được bàn giao nhưng đã bị nứt, vỡ như Dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố của bão, lũ năm 2017 trên tuyến đê tả Cầu qua địa phận của huyện Hiệp Hòa và Việt Yên.
Ông Nguyễn Danh Sướng, Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Việt Yên, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết, tuyến đê sông tả Cầu qua địa phận huyện Việt Yên được xây dựng bằng bê tông hơn 7km bàn giao đầu tháng 5 năm 2020, được đơn vị thi công xây dựng 6 trụ bê tông cốt thép với mục đích hạn chế xe trọng tải lớn đi trên đê.
Tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, liên tiếp các trụ bê tông đều bị phá hoại như: cắt gọt 1 nửa thân trụ, thậm chí nhiều nơi chỉ còn “trơ trọi” lại 1 trụ, trụ còn lại được vứt lăn lóc cách đó không xa hoặc được mang đi nơi khác. Hạt quản lý đê Việt Yên đã thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng công an vào cuộc xử lý các tổ chức, cá nhân phá hoại tài sản của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý.
“Ngày 16/5 đã xây dựng 2 trụ này nhưng chỉ được thời gian ngắn thì lại bị phá ngay. Đến ngày 28 tháng 6 xây lại và đến nay lại bị phá tiếp. Ở địa bàn huyện Việt Yên các bến bãi trái phép đã bị cấm hoặc tạm dừng hoạt động thì các xe không đi lên đê nữa. Việc phá này nhiều khả năng là do địa phương khác họ vận chuyển vật liệu qua đây, việc này phải do cơ quan công an vào cuộc điều tra”, ông Sướng cho hay.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 163 tổ chức, cá nhân đang hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu không phép ở các bãi ven sông, trong đó, có 119 hộ hoạt động tại các bãi có liên quan tới đê điều, đáng chú ý là tất cả các cơ sở này đều chưa được giấy phép hoạt động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các bến bãi vật liệu nằm ngoài quy hoạch phải tự tháo dỡ, và các bến bãi vật liệu nằm trong quy hoạch phải hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động, đồng thời dừng mọi hoạt động chất tải vật liệu.
Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết, một số nơi chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa thể triệt để ngăn chặn tình trạng này. Những bến bãi tập kết vật liệu vừa lấp dốc ngăn xe hôm trước nhưng hôm sau lại bị phá để hoạt động. Một số vị trí đã xây dựng trụ bê tông cốt thép để hạn chế việc xe quá khổ, quá tải hoạt động trên các tuyến đê.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian, các trụ bê tông cốt thép bị phá và tái diễn tình trạng xe quá tải trọng lén lút hoạt động trên các tuyến đê. Theo ông Lê Thành Chung, cần phải có giải pháp “mạnh tay” để xử lý các vi phạm chứ nếu cứ theo cách làm cũ sẽ không thể giải quyết được vấn đề này.
“Đang đề xuất lắp đặt hệ thống hệ thống camera giám sát. Yêu cầu các chủ bến bãi lắp camera để theo dõi về hoạt động của bến bãi có bán cát cho các xe quá khổ quá tải hay không? Lắp đặt camera tại những vị trí xây dựng các trụ ngăn chặn xe quá tải trọng đi trên đê cũng như ở các barie ngăn xe để phát hiện các xe quá khổ quá tải vi phạm, phát hiện các hành vi phá hoại các trụ ngăn xe. Từ đó có đủ chứng cứ đề nghị lực cảnh sát điều tra vi phạm để truy tố trách nhiệm hình sự”, ông chung nói.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 7 nghìn 100 vụ vi phạm đê điều đến nay vẫn chưa được xử lý. Con số các trường hợp vi phạm đê điều không giảm đi mà ngày càng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Mùa mưa bão đã đến, việc xử lý xe quá tải "tàn phá" các tuyến đê là việc làm không thể chần chừ.
Nếu các đơn vị chức năng không quyết liệt vào cuộc, chẳng mấy chốc các tuyến đê vừa được cải tạo sẽ lại bị xuống cấp và tình trạng xử lý “bắt cóc bỏ đĩa” sẽ còn gây nhiều tốn kém tiền của Nhà nước để tiếp tục sửa chữa.
Cần có biện pháp xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, nếu cứ theo cách làm cũ sẽ không thể giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải “cày nát” mặt đê không chỉ ở tỉnh Bắc Giang mà còn ở nhiều địa phương có đê trên cả nước hiện nay./.