Nhiều vấn đề được làm rõ tại Phiên giải trình về thị trường xăng dầu
Sáng 28.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo. Phiên giải trình do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành.
Tại Phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua đã góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành như: doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch.
Về giá xăng dầu, có ý kiến cho rằng, phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế.
Việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới; việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Trước thực tế quản lý nhà nước về xăng dầu đang giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc trong lĩnh vực này giao Bộ Công thương quản lý để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành; cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp hơn để góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân, kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững…
Giải trình các vấn đề được đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp, hiệp hội để bảo đảm việc sửa đổi Nghị định lấy đủ ý kiến của các đối tượng chịu tác động, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về cơ sở, căn cứ điều hành giá, nguyên tắc và tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Hai Bộ trưởng cũng giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu, phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước…
Phiên giải trình cũng ghi nhận nhiều ý kiến có giá trị của các chuyên gia, ý kiến của các tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp phản ánh tình hình thực tế và đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh xăng dầu nói chung và sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP nói riêng.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và tổng hợp lại các kết quả của Phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan về 8 vấn đề của ngành xăng dầu gồm: nguồn cung, dự trữ, giá, Quỹ Bình ổn giá, điều kiện kinh doanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Trong quá trình tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.