Nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng giá trị phải thi hành lớn nhưng tài sản bảo đảm quá nhỏ

Đáng nói, nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng tài sản bảo đảm giá trị quá nhỏ, hoặc có tình trạng pháp lý phức tạp.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2019, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự thi hành án hình sự, quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính theo các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, tổng số việc phải thi hành: 868.984 việc. Trong đó: 660.124 việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 448.680 việc (tăng 5.768 việc); Tổng số tiền phải thi hành là trên 250.597 tỷ đồng, trong đó trên 161.648 tỷ đồng có điều kiện; đã thi hành xong trên 43.472 tỷ đồng (tăng trên 18.391 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án (Ảnh: Quốc hội)

Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đã thực hiện theo dõi 551 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 491 việc. Thi hành xong 215 việc, trong đó thi hành xong 32/50 việc, người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án từ năm 2017.

Về tổ chức, bộ máy cơ quan thi hành án tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng như: thống nhất triển khai, vận hành phần mềm Quản lý thi hành án dân sự trên toàn quốc; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trong công tác thi hành án phạt tù, đã tổ chức 2.511 lớp học phổ biến thông tin thời sự, chính sách; 1.810 lớp giáo dục pháp luật; 463 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS; 2.189 lớp giáo dục công dân; 118 lớp học văn hóa phổ cập tiểu học và xóa mù chữ cho 2.089 phạm nhân…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế như kết quả tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp, chưa đạt kết quả mong muốn; Chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính.

Đáng nói, nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng tài sản bảo đảm giá trị quá nhỏ, hoặc có tình trạng pháp lý phức tạp; thể chế về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa đồng bộ, thống nhất.

Hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ (giá tài sản thế chấp được thẩm định để cho vay cao hơn nhiều lần so với thực tế); tài sản không đúng như hồ sơ thế chấp. Trên 90% các bản án, quyết định về hành chính được thi hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai - là lĩnh vực phức tạp, việc thi hành thường bị kéo dài…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-vu-an-kinh-te-tham-nhung-gia-tri-phai-thi-hanh-lon-nhung-tai-san-bao-dam-qua-nho-162226.html