Nhiều vướng mắc trong hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở

Lãnh đạo Sở TT-TT làm việc với UBND huyện Tây Hòa. Ảnh: LƯU PHONG

Mới đây, lãnh đạo Sở TT-TT đã làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố về lĩnh vực TT-TT. Qua đó nắm bắt tình hình quản lý và triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực TT-TT, chỉ ra một số giải pháp để các địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin thiếu

Sở TT-TT sẽ đánh giá lại một cách tổng thể hiện trạng hoạt động, xác định rõ khả năng phát triển, những mặt hạn chế của đài truyền thanh cơ sở, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các đài. Trên cơ sở đó đề ra giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền ở địa phương.

Thời gian qua, mặc dù các địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực TT-TT nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn về triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT), bưu chính - viễn thông, thông tin cơ sở…

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Một số đơn vị trên địa bàn huyện chưa khai thác tốt hạ tầng CNTT đã có và chưa thật sự quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động cơ quan nhà nước. Một số lãnh đạo chưa tham gia vào quy trình xử lý văn bản trên môi trường mạng. UBND các xã, thị trấn chưa bố trí được công chức phụ trách CNTT nên tỉ lệ văn bản trao đổi điện tử còn thấp. Nhiều người dân và doanh nghiệp chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Theo ông Ksor Y Phun, kinh phí đầu tư, trang bị hạ tầng CNTT còn thiếu, nhất là cấp xã, đơn vị sự nghiệp; cán bộ chuyên trách mỏng và yếu, đặc biệt ở cấp xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của các đài cơ sở trên địa bàn huyện hầu hết đã xuống cấp, lạc hậu, thường xuyên hỏng hóc. Nhân sự và cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ của các đài cơ sở hiện nay cũng còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Cơ chế chính sách, mức phụ cấp dành cho cán bộ truyền thanh cơ sở là rất thấp.

Còn ở TX Sông Cầu, nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương. Hiện chưa có cơ chế, chính sách thu hút người giỏi về CNTT vào làm việc trong cơ quan nhà nước nên công tác tham mưu, đề xuất giải pháp ứng dụng và phát triển CNTT còn nhiều hạn chế. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho hay, việc trình ký văn bản điện tử do phòng, ban trình UBND thị xã ký ban hành chưa triển khai được vì phần mềm cần chỉnh sửa thêm để hoàn thiện chức năng, đáp ứng thực tế công việc. Đối với Cổng dịch vụ công, trang thiết bị phục vụ cho công dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thị xã, UBND các xã, phường chưa đảm bảo nên công tác hướng dẫn công dân tiếp cận Cổng dịch vụ công còn gặp khó khăn…

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, mức độ quan tâm, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với người dân và doanh nghiệp không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp biết đến các dịch vụ này còn hạn chế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở

Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT: Năm 2020 là năm chuyển đổi số, vì vậy các địa phương trong tỉnh cần từng bước số hóa dữ liệu, quan tâm đến việc kết nối chia sẻ dữ liệu, xây dựng kinh tế số, xã hội số; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa phương theo Kế hoạch hành động 141/KH-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.

Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng triệt để ứng dụng CNTT trong công việc thông qua việc sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hộp thư (email) công vụ, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến… Trung tâm CNTT-TT (Sở TT-TT) sẽ phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tham mưu, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, trong đó chú trọng xây dựng các cơ sở dữ liệu địa phương, tập huấn nâng cao trình độ CNTT và truyền thông cho cán bộ, công chức, viên chức địa phương, thúc đẩy triển khai chính quyền điện tử để hiện đại hóa nền hành chính. Hiện nay, Sở TT-TT đang rà soát, đánh giá hệ thống đài truyền thanh cấp xã và hệ thống bảng tin công cộng hiện có trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT của tỉnh.

Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí nâng cấp sửa chữa đài truyền thanh cấp huyện, chỉ đạo các xã bố trí kinh phí nâng cấp sửa chữa đài truyền thanh cấp xã đảm bảo đạt được tiêu chí 8.3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm tổ chức thi tuyển/xét tuyển các vị trí công việc còn thiếu của đài để mọi người yên tâm công tác.

Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục quan tâm đầu tư đến các vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa, giúp cho địa phương đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và nhu cầu của người dân.

LƯU PHONG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242304/nhieu-vuong-mac-trong-hoat-dong-thong-tin-va-truyen-thong-co-so.html