Nhiều vướng mắc trong xây nhà tránh bão, lũ
(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo nằm trong vùng ngập sâu khi có bão lũ của tỉnh ta được an toàn, đời sống người dân ổn định, khấm khá hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc an cư của người dân trong mùa mưa bão.
Ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): “Phải tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”
Nếu năm nay tỉnh làm chậm, giải ngân chậm làm ứ đọng vốn thì sẽ ảnh hưởng và hạn chế số vốn cấp năm 2016 cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh làm nhà tránh bão, lũ. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh thì mới thành công được, chứ “khoán trắng” cho Sở Xây dựng, hay bất kỳ một sở nào thì không thể kham nổi. Làm gì thì làm, phải đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2016 phải hoàn thành đề án. Mà muốn vậy thì số lượng nhà của năm 2015 là 1.994 căn (trên 60% đề án) phải cơ bản hoàn thành...
Mức hỗ trợ thấp, giải ngân lại chậm
Là hộ nghèo của xã và mỗi khi có lụt, vợ chồng ông Phạm Yến (83 tuổi), ở xã Bình Minh (Bình Sơn) lại phải dắt nhau lên núi để tránh lụt. Thế nhưng, dù nằm trong danh sách được hỗ trợ làm nhà tránh lũ năm 2015, với tổng vốn 29 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại là 14 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay thêm 15 triệu đồng), ông Yến vẫn từ chối không nhận. Lý giải về điều này, ông Yến bảo: “Nhà nước quan tâm thì tôi rất mừng nhưng bây giờ muốn làm một căn nhà tránh lũ theo đúng yêu cầu ít nhất cũng phải mất 50- 70 triệu đồng. Trong khi đó, tuổi mình cũng cao rồi, số tiền hỗ trợ thì quá ít nên không thể làm nhà được, còn nếu vay thêm thì lấy tiền đâu mà trả nợ”. Đây cũng là trăn trở của nhiều hộ nghèo khác có hoàn cảnh giống ông Yến.
May mắn hơn nhiều hộ khác, mùa lũ năm nay gia đình ông Ngô Thanh Sơn (xã Bình Minh) không lo ngập lụt nữa vì đã xây dựng được căn nhà chòi tránh lũ. Cũng là hộ nghèo trong xã, ông được hỗ trợ 16 triệu đồng của Nhà nước và vay thêm 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH với lãi suất thấp trong vòng 10 năm để xây nhà tránh lũ. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để ông làm căn nhà tránh lũ theo đúng yêu cầu là phải có đổ mê (bê tông cốt thép-PV). Thế nên ông phải vay mượn thêm của người thân và bà con hàng xóm. Tiền vay mượn đã thiếu thốn, nhưng đến khi nhà ông xây xong phần thô thì mới được cho vay 10 triệu đồng và khi ngôi nhà gần hoàn thành thì mới nhận được 100% tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 48 về giải ngân thì yêu cầu “giải ngân lần đầu 70% vốn hỗ trợ theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ gia đình thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt; giải ngân tiếp 30% còn lại sau khi các hộ gia đình hoàn thành công trình”. Còn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thì “giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng...”
Cần tháo gỡ vướng mắc
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó có hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng ngập sâu khi lũ về. Năm 2013, có khoảng 100 hộ nghèo ở hai vùng rốn lũ của Bình Sơn và Nghĩa Hành được hỗ trợ tạo điều kiện xây nhà tránh lũ, cải thiện chỗ ở. Cuối tháng 8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Nhà tránh lũ với thiết kế xây tầng (đổ mê- bê tông cốt thép) giúp cho nhiều hộ dân an tâm trú ẩn khi có lũ xảy ra. Ảnh: H.HOA
Thực hiện chính sách này, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh (Quyết định 489/QĐ-UBND), với tổng số hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 48 là 3.323 hộ; tiến độ thực hiện đề án trong 2 năm 2015-2016. Tổng vốn thực hiện đề án trên 169 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 42,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 16,6 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu đãi trên 49,8 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động Quỹ “Ngày vì người nghèo”, huy động cộng đồng, các gia đình đóng góp.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, đến cuối tháng 9.2015, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng được 434 nhà ở phòng, tránh bão, lụt (chỉ đạt 13,06% Đề án). Tổng kinh phí đã giải ngân đến hộ gia đình để xây dựng nhà là 13,915 tỷ đồng/36,144 tỷ đồng, chỉ đạt 38,5% nguồn vốn đã được phân bổ. Điều này cho thấy, tiến độ xây dựng nhà ở theo Quyết định 48 trên địa bàn tỉnh còn quá chậm.
Theo lý giải của Sở Xây dựng, nguyên nhân triển khai hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ chậm tiến độ là bởi nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn chậm, đến tháng 11.2014 mới bố trí vốn năm 2014; còn vốn năm 2015 thì đến tháng 7 và 9.2015 mới bố trí nên địa phương không kịp phân bổ để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều hộ diện được hỗ trợ cho rằng số tiền hỗ trợ quá ít nên không nhận tiền làm nhà; một số hộ không dám vay vốn vì sợ không có khả năng trả nợ. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm thì không huy động được...
Tất cả những tồn tại, vướng mắc trên rất cần sự quan tâm và kịp thời tháo gỡ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương liên quan nhằm giúp các hộ nghèo xây dựng nhà tránh lũ, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi xảy ra bão lũ.
*Ông Nguyễn Đức Hiệp - Quyền Giám đốc Sở Xây dựng: “Cần giao cho các sở, ngành theo dõi các huyện và chỉ đạo trực tiếp”.
Sau 7 tháng kể từ ngày UBND tỉnh phân bổ kinh phí, các huyện, thành phố triển khai chính sách này còn chậm tiến độ. Nguyên nhân, bên cạnh việc chậm bố trí vốn, nhiều hộ già cả, neo đơn, hoàn cảnh quá khó khăn không tự bỏ thêm kinh phí để thực hiện. Riêng ở các huyện miền núi địa bàn rộng, ngăn cách sông suối, giao thông đi lại khó khăn; mặt khác cùng lúc trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở, giá cả vật tư tăng cao trong năm 2014-2015, việc huy động nhân công để xây dựng nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Xây dựng sẽ đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo, phân cho các sở ngành trực tiếp theo dõi các huyện thực hiện chính sách này, tựa như việc theo dõi chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới vậy!
*Ông Bùi Đình Thời – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: “Số tiền hỗ trợ còn thấp”.
Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện để các hộ nghèo ở vùng bão lũ có điều kiện làm nhà tránh lũ, giúp họ có cuộc sống ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ còn thấp và chức năng chủ yếu là tránh lũ nên nhiều hộ dân vẫn còn băn khoăn giữa xây nhà tránh lũ và nhà 167. Do đó, huyện đang rà soát, kiểm tra lại xem những hộ nào đã có tên trong đề án xây nhà tránh lũ mà không có nhu cầu thì đưa ra, còn những hộ nào có nhu cầu thì lập danh sách để đưa vào.
*Ông Cao Minh Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh: “Sớm tháo gỡ vướng mắc và giải ngân tiền cho dân”.
Bình Minh là xã nằm trong vùng rốn lũ nên nhu cầu về nhà tránh lũ rất cao. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 55 căn nhà tránh lũ, giúp các hộ nghèo có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc vì đa số các hộ nghèo đều là hộ già cả, neo đơn nên họ không có khả năng làm nhà. Mặc khác, yêu cầu của chính sách là phải xây dựng xong phần thô thì mới được vay vốn và nhận hỗ trợ, trong khi đó người dân thì muốn có tiền rồi mới làm nhà, nên ảnh hưởng đến việc xây nhà tránh bão, lụt.
*Bà Trịnh Thị Nga, thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn): “Phải đợi đến bao giờ mới có tiền làm nhà”.
Đã hơn chục năm qua tôi phải đi ở nhờ nhà đứa con gái, vì căn nhà của tôi đã bị nước lũ làm hư hỏng. Vì thế ước mơ của tôi là có được ngôi nhà để ở. Vậy nên khi nghe tôi có tên trong danh sách được Nhà nước hỗ trợ để làm nhà tôi mừng lắm nên đã kêu xe đổ đất để làm nhưng đợi mãi chưa thấy quyết định được hỗ trợ. Giờ chỉ mong sao Nhà nước sớm giải quyết để tôi sớm có nhà ở trong mùa mưa bão năm nay.