Nhiều ý kiến thiết thực liên quan vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Tại Chương V, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ; quy định rõ các trường hợp điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số tỉnh, thành phố đã nêu những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đề nghị dự thảo Luật sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế.
Triển khai đồng bộ công tác lập quy hoạch
Theo ý kiến của ông Trần Hùng Phi, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát, quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (nay là Vụ Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Khoản 4, Điều 60 dự thảo Luật quy định nguyên tắc “Được lập từ tổng thể đến chi tiết” là không hợp lý. Nếu phải chờ cấp trên lập quy hoạch xong trước mới triển khai lập quy hoạch cho cấp dưới, sẽ dẫn đến tình trạng chậm triển khai lập quy hoạch ở cấp dưới, nhất là cấp huyện. Vì thực tế, nếu cấp dưới (cấp huyện) chưa triển khai lập quy hoạch, sẽ không xác định được chính xác nhu cầu sử dụng đất của địa phương để báo cáo, đưa vào quy hoạch sử dụng đất của cấp trên. Từ đó, dẫn đến tình trạng “bốc thuốc” để báo cáo số liệu, thiếu cơ sở thực tế, thiếu căn cứ và là nguyên nhân khiến quy hoạch thiếu tính khả thi.
Ông Trần Hùng Phi đề nghị bỏ quy định “Được lập từ tổng thể đến chi tiết” tại Khoản 4, Điều 60; hoặc sửa đổi nguyên tắc này theo hướng: "Việc lập quy hoạch sử dụng đất phải được triển khai đồng bộ ở các cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện".
Đồng thời, việc quy định tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đất quốc phòng, đất an ninh từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện từ 20 năm đến 30 năm cũng chưa tạo được sự thống nhất về thời gian giữa các ngành, các cấp và không thống nhất với nguyên tắc tại Điều 60 “Quy hoạch sử dụng đất cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới”, gây khó khăn cho việc xây dựng tầm nhìn quy hoạch ở mỗi cấp, dẫn đến thiếu tính khả thi cho việc xác định tầm nhìn quy hoạch.
Liên quan đến Điều 60 và Khoản 5, Điều 67 của dự thảo Luật về nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất và thời gian hoàn thành quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh kiến nghị, cần đưa vào Luật một số nội dung: Quy định cụ thể trong Luật về thời gian lập và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh) để bảo đảm thời gian và đỡ tốn kém kinh phí cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhiều lần giữa các cấp như hiện nay.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam kiến nghị: Bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và sửa Khoản 2, Điều 61 "Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh", do quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có, nhưng kế hoạch của tỉnh rất chung chung, trong khi hằng năm, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải chi tiết đến từng dự án. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ cần tổng hợp danh mục các dự án thực hiện trong năm, trình HĐND cấp tỉnh thông qua. Cụ thể, Khoản 7, Điều 65 cần sửa là: Hằng năm, UBND cấp tỉnh chỉ đạo lập danh mục các dự án thực hiện trong năm, trình HĐND tỉnh thông qua.
Bất cập về thời gian triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, chất lượng quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới... chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; hoặc thời gian thực hiện dự án "lệch" với thời gian triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn nêu: Tại Khoản 2, Điều 71 dự thảo Luật quy định cụ thể các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, tại Khoản 3 điều này lại quy định: “Trong quá trình tổ chức thực hiện có thể điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình hoặc nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất”, như vậy là không phù hợp với các căn cứ được quy định tại Khoản 2, Điều 71. Do đó, các căn cứ nêu tại Khoản 2 phải loại trừ trường hợp quy định tại Khoản 3.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4, Điều 74, thời hạn 3 năm của dự án trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện không đồng nhất với 3 năm của văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Do thời hạn 3 năm được chấp thuận đất trồng lúa vẫn còn, song đã hết thời hạn 3 năm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm, do thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất thường vượt quá 3 năm, nên rất vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cần điều chỉnh về thời hạn dự án trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện phù hợp thực tế.
Nhằm nâng cao tính minh bạch khi tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài kiến nghị bổ sung vào cuối Khoản 5, Điều 74, cụ thể: “...công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và trụ sở UBND cấp xã”.